Monthly Archives: March 2018

Jason Gibbs-Nguyễn Văn Đông-Đường đời mưa bay gió cuốn-March 25, 2018

Jason Gibbs

Nguyễn Văn Đông: Đường đời mưa bay gió cuốn

Tôi được gặp và nói chuyện với nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông hai lần, năm 2009 và năm 2015. Ông ngoài 75 tuổi nhưng đầy nhiệt huyết như một con hùm.

Ông Đông nói rằng ông có đọc sách của tôi. Hình như dù có vài thắc mắc không tiện nói về sách này, ông thấy tôi là một người đáng tin. Ông nhấn mạnh rằng gần như không cho ai phỏng vấn ông.

Trong bài này tôi sẽ không nói nhiều về các tác phẩm của nhạc sĩ tài hoa này. Tôi muốn nói đến hiện tượng của Nguyễn Văn Đông trong bối cảnh thị trường nhạc thời kỳ Việt Nam Cộng Hòa.

Đời ông bị làm chia đôi. 43 năm (1932-1975) ông làm hết mình – ông học hỏi, sản xuất, và làm việc nước. 43 năm nữa (1975-2018) ông im lặng để tồn tại.

Mặc dù sau năm 1975 ông sống như một người vô hình, nhưng tôi đã được gặp một đàn ông rất tự tin và biết giá trị của mình. Trong nửa đời sản xuất tròn 43 năm, ông đạt được những thành công phi thường.

Nguyễn Văn Đông sinh ở quận 1, Sài Gòn. Bố mẹ gốc Tây Ninh là điền chủ từng bị bắt tù thời chiến tranh chống Pháp. Lúc bấy giờ có một sĩ quan Pháp, đại úy Vieux coi Nguyễn Văn Đông như người em kết nghĩa nhận ông là con nuôi và cho học tại École d’enfants de troupe (Trường Thiếu sinh quân Đông Dương). Đây là một ngôi trường ưu tú, chỉ có con cái của sĩ quan Pháp được vào học.

Trường này dạy về văn hóa và quân sự. Giáo sư âm nhạc là Charles Martin, một nhạc sĩ Pháp từng dạy hòa âm và phối khí từ những năm 1920 ở Sài Gòn.

Thuở ấy Nguyễn Văn Đông đã học thổi kèn trompette và tham gia dàn nhạc fanfare của ngôi trường.

Năm 1948 khi lên tuổi 16 ông cũng sáng tác "Thiếu sinh quân hành khúc" đã được nhận là bài ca của trường.

Năm 1951 ông thi vào École Militaire Cap Saint Jacques (Trường Võ bị sĩ quan Vũng Tầu) và năm 1952 ông học xong với cấp sous lieutenant (thiếu úy).

Năm 1952 ông học thêm ở École Militaire Interarmes de Dalat (Trường võ bị liên quân Đà Lạt) và năm sau ông lên cấp trung úy. Rồi sau đó ông ra Bắc và học tiếp ở École Tactique Hanoi (Trường chiến thuật Hà Nội).

Trong những tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh Đông Dương thứ nhất, ông chỉ huy một Đại đội Trọng Pháo ở hai tỉnh Móng Cái và Lạng Sơn. Sau biến cố thua trận ở Điện Biên Phủ, ông được chuyển về miền Nam.

Từ năm 1954 đến 1958 Nguyễn Văn Đông đóng quân ở Đồng Tháp Mười. Khu này được coi như một "chiến trường ác liệt" suốt 30 năm chiến tranh ở Đông Dương. Nó cũng là căn cứ địa của bên cộng sản vì nằm cạnh ranh giới Việt Nam – Cambodia.

Nguyển Văn Đông là một hiện tượng rất hiếm là một nhạc sĩ chuyên nghiệp nhưng đã từng cầm súng trên trận địa. Năm 1956, Nguyễn Văn Đông soạn hai tác phẩm "Chiều mưa biên giới" và "Phiên gác đêm xuân." Các ca khúc này phản ánh đời sống của lính chiến ở khu ấy.

Ông nói với tôi rằng ông "viết thực tế về lính." Ông "có thấy chết nhiều lắm, đau khổ nhiều lắm." Khi mới cho phổ biến hai bài ca ấy ông đề tên bút Vì Dân như nửa muốn giấu tên mình. Hai ca khúc đều có lời giới thiệu: Kính tặng các Chiến sĩ một nắng hai sương lao mình nơi tiền tuyến, dâng mình cho đất nước và các Bạn thanh-niên sắp khoác chiến y.

Bản quyền hình ảnhTƯ LIỆU NGUYỄN VĂN ĐÔNGImage captionNhạc phẩm ”Chiều mưa biên giới”

Chiều mưa biên giới

Tôi hỏi ông về ca khúc "Chiều mưa biên giới" ông suy nghĩ sâu. Cũng có thể ca khúc của mình đã làm giảm sức chiến đấu của quân lực miền Nam ít hay nhiều. Nhưng ông nói là "trong người có trách nhiệm với lương trí."

Ông "không làm chủ – không lãnh đạo được cái trí của mình." Ông muốn biểu lộ cảm xúc thực của mình. "Tôi không có ý muốn phản bội. Tôi muốn người ta hiểu mình."

"Chiều mưa biên giới" được xuất bản năm 1959 rồi không biết bao nhiêu lâu sau đó lại bị cấm chung với các bài ca "Phiên gác đêm xuân," "Mấy dặm sơn khê," và "Nhớ một chiều xuân."

Trên bìa sau ca khúc "Nhớ người viễn xứ" (sáng tác chung với Lâm Tuyền và được cấp phép xuất bản 26 tháng 4 1963) có danh sách bốn ca khúc này với lời nhắn các "quí bạn yêu nhạc đừng gởi thơ về xin chữ ký trên các nhạc phẩm này nữa."

Trên bìa cũng đã đề cập đến hai ca khúc "Cuốn theo chiều gió" về "Bến đò biên giới" mà "chúng tôi cũng không xuất bản. Hẹn ra mắt quí vị khi có hoàn cảnh thuận tiện."

Bản quyền hình ảnhTƯ LIỆU NGUYỄN VĂN ĐÔNGImage captionMột số nhạc phẩm bị cấm của Nguyễn Văn Đông

Sau khi chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ thì lúc "thuận tiện" mới đến và các tác phẩm ấy được phổ biến rộng rãi. Thực ra "Chiều mưa biên giới" đươc nghe khắp mọi nơi như làm khuây với dân miền Nam đã cảm thấy khó phù hợp với phong cách cai trị chặt chẽ của chế độ ấy.

Nguyễn Văn Đông tâm sự: "Làm văn nghệ rất là khó – không được sự hỗ trợ vì không vào cuộc chiến tranh tâm lý."

Vì vụ bài ca "Chiều mưa biên giới" ông bị quân đội phạt, nhưng ông cũng giỏi về việc tự lăng-xê mình. Các bài hát bị cấm thì một điều tất nhiên là quần chúng sẽ càng thích và tìm đến.

Bản quyền hình ảnhTƯ LIỆU NGUYỄN VĂN ĐÔNGImage captionHãng đĩa hát Continental năm 1960

Nhạc sĩ – doanh nhân

Ông là sĩ quan quân đội, là nhạc sĩ sáng tác, nhưng cùng thời ông là một doanh nhân. Ông đã từng lập ra một số hãng đĩa và nhà xuất bản. Ông mở hãng đĩa hát Continental năm 1960 (167 thương xá Nguyễn Huệ). Hãng đĩa Continental có nhãn hiệu chữ viết hoa in đệm và gọn. Tên Continental là tên gọi có tính quốc tế mà có nghĩa Lục Địa được viết thế trông oai nghi và nghiêm trang.

Bản quyền hình ảnhTƯ LIỆU NGUYỄN VĂN ĐÔNGImage captionNhà xuất bản Trăm Hoa Miền Nam

Sau đó năm 1966 ông lập nhà xuất bản Trăm Hoa Miền Nam (103 đường Nguyễn Thái Học).

Nhãn hiệu Trăm Hoa Miền Nam được tao nhã in với chân chữ trang điểm với hình lá cây. Một thiếu nữ tóc bay thổi hạt và cánh của nụ hoa. "Trăm hoa" chắc gốc từ chữ "bách hoa" nghĩa là nhiều loài hoa.

Bản quyền hình ảnhTƯ LIỆU NGUYỄN VĂN ĐÔNGImage captionHãng đĩa hát Sơn Ca

Năm 1967 có thêm hãng đĩa hát Sơn Ca (135/116 đường Nguyễn Huệ) "do nhạc sĩ Phượng Linh trình bày" (Phượng Linh là tên bút chính của Nguyễn Văn Đông). Nhãn hiệu Sơn Ca hiện đại hơn, hai chữ ghép với nhau trên hình trái đất có con chim hót trên. Ở dưới có hình đàn guitar lập thể nhiều sắc màu.

Bản quyền hình ảnhTƯ LIỆU NGUYỄN VĂN ĐÔNGImage captionChủ trương do Đông Phương Tử

Ông sáng lập thêm một nhà xuất bản năm 1967 là "chủ trương do Đông Phương Tử." Đông Phương Tử là tên bút của Nguyễn Văn Đông khi làm cổ nhạc hay soạn lời tân cổ. Chữ của nhãn hiệu vừa tròn, vừa nét kẻ.

Bản quyền hình ảnhTƯ LIỆU NGUYỄN VĂN ĐÔNGImage captionNhà xuất bản Hoa Bốn Phương

Nguyễn Văn Đông lập nhà xuất Hoa Bốn Phương năm 1971 với nhãn hiệu có phong cách thí nghiệm. Chữ màu cam khó đọc trên nền cây cỏ nâu. Phông chữ cũng hỗn độn chữ hoa với chữ thường, chân chữ với sans serif trông rất hiện đại.

Năm 1966 Việt Nam bắt đầu có kỹ thuật mới để phát thành nhạc là băng cát xét. Đến năm 1969 thì kỹ thuật này đã thành phương tiện chính của người tiêu thụ âm nhạc vì được sản xuất và bán rẻ tiền hơn.

Hãng Continental thực hiện các chương trình mới và chương trình được biên soạn theo các đĩa hát 45 tua từ trước. Hãng Sơn Ca đã từng làm các chương trình cát xét chỉ có một nghệ sĩ (nổi tiếng nhất là Sơn Ca 7 với Khánh Ly ca nhạc Trịnh Công Sơn). Các băng cát xét Sơn Ca có nhạc đề ("Sơn Ca, Sơn Ca, Sơn Ca" với ba giọng ca nữ hát hợp âm xuống) của Nguyễn Văn Đông soạn và Lê Văn Thiện phối khí.

Hãng băng nhạc Premier mà Nguyễn Văn Đông lập năm 1971 không sản xuất đĩa. Chữ Premier viết hoa được uốn cong như hình tròn của cuốn băng.

Bản quyền hình ảnhTƯ LIỆU NGUYỄN VĂN ĐÔNGImage captionHãng băng nhạc Premier

Quãng thời gian hữu ích nhất trong sự nghiệp văn nghệ của Nguyễn Văn Đông là khi ông được chuyển làm ở Bộ Tổng Tham Mưu ở Sài Gòn. Mặc dù Bộ Quốc phòng không thích ông làm văn nghệ, nhưng mỗi cuối tuần Nguyễn Văn Đông làm âm nhạc và xếp chương trình đĩa băng. Ông tự mô tả mình là "người chia làm hai." Đến trưa thứ Bảy ông làm quân sự, nhưng "tối thứ Bảy, Chủ Nhật thì thuộc về mình."

Thị trường âm nhạc

Là doanh nhân thì Nguyển Văn Đông phải nghiên cứu và tìm hiểu về thị trường âm nhạc.

Hãng của ông phân phối đĩa với 36 đại lý khắp miền Nam. Ông hỏi kỹ ở các đại lý về sở thích của người mua đĩa để sắp xếp các chương trình ăn khớp với thị hiếu của quần chúng nghe nhạc.

Ông kể rằng một chương trình cải lương được phát hành với 10,000 đĩa mỗi lượt, nhưng một chương trình tân nhạc chỉ có phát hành 5,000. Thường lệ một chương trình cải lương hay tân cổ sẽ bán được 70,000 đĩa và một chương trình tân nhạc chỉ bán được 5,000 đĩa.

Ông giải thích rằng lúc bấy giờ "cải lương nuôi tân nhạc."

Ông thừa nhận "tân nhạc chỉ ăn ở thành phố." Quần chúng ở các tỉnh chỉ ưa mua đĩa vọng cổ và cải lương.

Ông thực sự là một nhà sản xuất tài ba. Mỗi chương trình đĩa tân nhạc gồm bốn ca khúc thì ông chọn từng bài, tuyển các ca sĩ và dàn nhạc. Với các đĩa cải lương ông làm đạo diễn chọn đề tài chọn nghệ sĩ và thuê tác giả soạn kịch.

Mỗi việc xảy ra từ khuya đêm thứ Bảy. Sau mỗi buổi cải lương kết thúc thì các nghệ sĩ đi đến phòng thâu ở cơ quan hãng Continental tại 167 thương xá Nguyễn Huệ. Các ca sĩ tân nhạc thường hát phòng trà rồi cũng đến phòng thâu từ khuya và làm việc suốt ngày Chủ Nhật.

Để giúp vui ông đãi các nghệ sĩ những đồ ăn và uống ngon nhất. Các nhạc công rất vui mừng khi được làm việc với ông mặc dù là đêm khuya vì được tăng lương thêm một nửa.

Bản quyền hình ảnhTƯ LIỆU NGUYỄN VĂN ĐÔNGImage captionBăng nhạc Continental

Nguyễn Văn Đông làm việc tích cực ở nhiều lĩnh vực – soạn cổ nhạc, viết ca khúc, sản xuất đĩa, xuất bản nhạc phẩm, phân phối đĩa và bản nhạc, và điều hành một phòng thu âm. Tài năng chính của ông là "có tổ chức lắm."

Nhờ Nguyễn Văn Đông làm kinh doanh giỏi, nhiều nghệ sĩ, nhạc sĩ, nhạc công, kể cả kỹ sư âm thanh, họa sĩ, tiệm bán đĩa và bản nhạc cũng được kiếm sống.

Nhưng ông cũng làm các việc nhỏ nhoi như viết chapeau (tức "cái nón), thực là lời giới thiệu cho các chương trình băng nhạc.

Sau 1975

Sau 1975 ông mất hết. Vì ông là đại tá của quân đội Việt Nam Cộng Hòa từng nhận mề đay của quân đội Mỹ tặng thưởng, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông bị giam 10 năm.

Trong những năm đầu ông ở một trại tại Biên Hòa, nhưng từ năm 1978-1985 ông ở Khám Chí Hòa.

Tại các trại ở ngoài trời có chế độ lao động thì ông sung sướng hơn, khi bị giam ở nhà tù phải ngồi đợi trong im lặng. Là một con người ham hành động thì bị bắt phải ngồi không rất là đau khổ.

Khi được thả tự do và được sum họp với gia đình ông sống rất khép kín. Một điều tất nhiên là ông từng thường bị công an thăm hỏi và theo dõi.

Không muốn bị nghi ngờ thì ông phải tiếp xúc với mỗi người rất cẩn thận. Một thí dụ là khi mở tài khoản email ông chọn một công ty Việt Nam để được công khai và dễ kiểm soát hơn.

Tôi nghĩ rằng ông hiểu rõ vị trí của một người lính bên thua cuộc và chấp nhận hay chịu đựng cái đời sống mới ấy mặc dù đời sống ấy chưa có chỗ đứng cho mình được hoạt động.

Nhưng ông đã tồn tại. Ngay sau biến cố năm 1975 các sản phẩm văn nghệ ông từng thực hiện bị xã hội mới coi xấu, thậm chí là độc ác. Hàng hóa của các công ty ông bị tịch thu luôn.

Nhưng mới đây thì nền tân nhạc thời Việt Nam Cộng Hòa được xét lại và dần dần được chấp nhận kể cả tán dương.

Hiện nay nhiều người than phiền về thị trường lộn xộn của âm nhạc Việt Nam. Song thị trường ấy chỉ khởi đầu từ những năm 1990 mà được xây lại từ đầu trong những năm đổi mới.

Trước năm 1975 thì miền Nam Việt Nam đã từng có một thị trường âm nhạc mà cũng có những nét lộn xộn. Nhưng thị trường ấy cũng có mặt tao nhã.

Nguyễn Văn Đông là một tay mạnh ở đằng sau thị trường âm nhạc miền Nam lúc bấy giờ. Ông soạn ca khúc theo kiểu phương Tây, nhưng ông cũng là một "Phương Đông tử" nâng cao nhạc truyền thống.

Các chương trình ông được thực hiện rất kỹ càng. Ông chú ý đến kỹ thuật âm thanh và họa tiết từng bìa và quảng cáo để hiện đại hóa văn nghệ Việt Nam. Thực ra ông chế tạo những sản phẩm văn hóa hậu tân thời và rất cá tính.

Jason Gibbs có bằng tiến sĩ về Lý thuyết và Sáng tác âm nhạc từ Đại học Pittsburgh, chuyên nghiên cứu âm nhạc Việt Nam. Bài viết gửi BBC được ông viết trực tiếp bằng tiếng Việt.

Categories: Linh Tinh | Leave a comment

Anh Ra Đi Mùa Thu- March 2018

Trích LanChiYesterday-Những vụn vặt đời sống quanh tôi

Anh Ra Đi Mùa Thu

MỘT

Bây giờ là mùa Thu ở Brisbane. Mùa Thu nơi này không khác CA bao nhiêu nghĩa là chỉ se lạnh và không có lá vàng đẹp diễm lệ như những mùa thu Đông Bắc Hoa Kỳ mà tôi đã một thời ở đấy.

Mưa. Mưa không lớn mà nhẹ nhàng và rả rích. Tôi thích mưa như thế. Ngồi trong nhà, nhìn mưa bay bay qua vuông cửa sổ là một thú vui nho nhỏ. Mỗi khi nhìn mưa bay thế này, lòng tôi lại trĩu nặng nhớ Virginia. Những ngày mùa đông xưa ở Virginia, tôi cũng ngồi bên cửa sổ và ngắm tuyết rơi. Trên đời này có lẽ hoa xuân tuy có đẹp nhưng không thể nào sánh được với cảnh lá vàng ngập lối hay tuyết trắng bay bay.

Tháng Hai buồn vừa mới qua. Bốn năm xưa vào tháng Giêng, Hà Thanh vẫy tay chào ra đi. Tháng Hai năm nay thì Nguyễn Văn Đông mỉm cười từ giã.

Tôi buồn lắm.

Năm xưa, tôi viết “Hai Người Tôi Muốn Gặp Bây Giờ”. Đó là Hà Thanh và Nguyễn Văn Đông. Tôi yêu tiếng hát Hà và tôi yêu giòng nhạc lính Nguyễn Văn Đông. Với tôi thì chỉ Hà Thanh mới hát được Về Mái Nhà Xưa, Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp, Mấy Dặm Sơn Khê, Hải Ngoại Thương Ca, Nhớ Một Chiều Xuân hay đến thế. Chưa ai có sáng tạo độc đáo như Hà trong Hải Ngoại Thương Ca phải không.

Tôi ao ước được gặp hai người tôi yêu mến thế nhưng “duyên phận” giữa tôi với hai người ấy chắc chỉ đến thế. Chỉ đến thế là chỉ trò chuyện qua điện thọai hay e-mail và không bao giờ gặp mặt nhau.

Giờ này thỉnh thoảng đêm khuya chợt vô tình nghe Hà hát, tôi lại có cảm giác nhói đau và tôi đã thảng thốt gọi “Hà ơi” rồi nước mắt ứa ra. Giọng nói reo vui và cả tính tình nghịch ngợm trẻ trung của Hà vẫn còn mãi trong tôi.

Nguyễn Văn Đông thì không thế. Tôi ít trò chuyện với anh nhưng những lá mail dí dỏm của anh thì sao giống tính nghịch ngợm của Hà đến vậy.

HAI

Biến cố 1975 đã phá hỏng nhiều thứ. Cả một miền Nam rực rỡ với nhiều thành tựu trong mọi mặt bị chựng lại rồi tụt lui. Bao nhiêu nhân tài miền Nam từ đó sống như chết. Tác phẩm của họ nhất là các sáng tác trong lãnh vực âm nhạc, thơ, văn, kịch, họa không được phổ biến rộng rãi và mạnh mẽ như xưa. Thì một triệu người Việt hải ngoại tản mác khắp thế giới làm sao sánh được với số dân đông đảo trong nước.

Nguyễn Văn Đông chưa bao giờ được tự do kể từ 1975. Khi chọn con đường ở lại vì cha mẹ già đơn độc, ông đã phải trả cái giá hơn mươi năm tù mà nhiều lúc mạng sống như chỉ mành treo chuông. Nếu không vì tình trạng sức khỏe nguy cấp thì có lẽ ông vẫn chưa được thả. Lần thứ hai, Nguyễn Văn Đông từ chối không đi Mỹ cũng vì tình trạng sức khỏe và cũng vì “người bạn nhỏ” không muốn đi Mỹ. Người bạn nhỏ ấy gọi ông là chú từ thuở Continental đã hết lòng chăm sóc ông, nuôi ông khi ở tù, vực ông dậy từ lưỡi hái của tử thần và ông sống nốt những ngày còn lại với chị.

Nếu Nguyễn Văn Đông là một kẻ hèn thì ông đã chấp nhận mọi đề nghị từ nhà cầm quyền cs như vào Hội Văn Nghệ TP, tham gia Mặt Trận Tổ Quốc. Thậm chí họ cũng sẽ sẵn sàng đề cử và cho ông trúng cử dân biểu quốc hội để đóng vai trò tô đẹp cho bộ mặt (dân chủ giả hiệu) của chế độ. Ông sẽ được hưởng nhiều ưu đãi vì ông không chỉ là một nhạc sĩ nổi tiếng mà ông còn là một Đại Tá của Quân Lực VNCH.

Thế nhưng Nguyễn Văn Đông không làm thế.

Ông sống thu mình, lặng lẽ. Như Nguyễn Văn Đông từng viết: ông chỉ trả lời Hoàng Lan Chi là nhiều nhất và đưa tài liệu cho Du Tử Lê viết khi DTL về lại Mỹ. Ngoài ra, ông tránh tiêp xúc, trả lời hải ngoại. Lý do, cứ mỗi mùa lễ lớn của vc thì ông “lặng lẽ lăn ra ốm trước đó một tuần”. Họ sẽ làm khó ông khi ông “khép cửa” vào ngày lễ của vc và “mở cửa” với hải ngoại.

Tôi và nhiều bạn hữu đứng đắn và tử ế đã nghĩ rằng: chỉ với sự bất hợp tác của Nguyễn Văn Đông sau khi ra tù cũng đủ chứng minh con người và tư cách của ông. Ngoài ra, trong tù đày, Nguyễn Văn Đông chưa bao giờ làm ăng ten hay hại anh em. Sự việc viết vài bản nhạc với vài câu nhẹ, không phải là lý do để vài kẻ dám lớn lối phê bình Nguyễn Văn Đông. Đó là những kẻ hoặc quá khích, hoặc đố kị ganh tị hoặc ra vẻ ta đây cương cường.

Tôi cũng nghĩ rằng hành động XYZ gia nhập văn nghệ hát hò nhạc đỏ, hay ABC viết bài ca tụng “bác ra đi tìm đường cứu nước” thì cũng như việc Nguyễn Văn Đông viết vài câu nhạc này “từ nơi này người đã ra đi”. Tôi đồng ý với câu viết sau của cựu đại úy Bùi Xuân Cảnh “Mọi lời nói của cựu quân nhân khi ở tù đều vô giá trị”.

Những người khác ra tù và tương đối sống dễ thở nhưng Nguyễn Văn Đông thì không thế. Giữ trọn cái khí phách của người VNCH, không hợp tác với chế độ mới đủ để chúng ta cảm mến ông.

BA

Nhiều năm xưa, TT Thúy Nga đã vài lần nỗ lực đưa Nguyễn Văn Đông ra hải ngoại nhưng không thành. Lần đầu như ông tâm sự và gửi cả chứng cớ cho tôi thì Mỹ không cấp visa. Lần hai, có lẽ lại do ông. Lưỡng lự vì e ngại khi trở về sẽ nhiều khó khăn cho cửa hàng nhỏ của chị Thu.

Ông cũng ao ước du lịch ngắn một chuyến không phải cho Thúy Nga mà vì nghe tôi rủ rê “Anh nhớ đi vào mùa Thu. Em sẽ đưa anh vào rừng thu lá đỏ. Cùng ngồi trên một cành cây gẫy trong rừng, anh hãy kể cho em nghe mọi thứ về anh. Từ những chuyện tình cho đến những ngày tù ngục”. Nguyễn Văn Đông đâu phải không biết mùa thu diễm lệ của xứ Mỹ vì ông đã từng tu nghiệp cơ mà. Thế nhưng mùa thu lá đỏ, ngồi trong rừng thu, nghe lá thu xào xạc bên cạnh cô em gái mà ông quý nhất trên đời thì đó là hạnh phúc mà Nguyễn Văn Đông hằng ao ước. Tiếc thay chút nhỏ nhoi cũng không thành. Từ 2015, sức khỏe ông kém dần.

Sau khi ông mất, TT Thúy Nga đã tìm tất cả các nhạc phẩm Nguyễn Văn Đông có trong DVD và làm nhiều volume ở youtube. Giới trẻ trong nước biết đến tên tuổi Nguyễn Văn Đông và ngỡ ngàng. “Sao hay thế”. Tôi đọc những gì từ giới trẻ trong nước viết mà ngậm ngùi.

Quyết định ở lại không đi trong chương trình H.O của Nguyễn Văn Đông có thể là một sai lầm vì nếu ông đi thì ông đã vẫn được sáng tác nhạc theo trái tim ông. Nếu ông đi, giới trẻ hải ngoại và trong nước đều biết đến nhạc ông từ lâu lắm chứ không phải chỉ khi ông nằm xuống.

Sắp tới đây, Thúy Nga có chương trình “Chiều Mưa Biên Giới” để tưởng nhớ ông ở Nam CA tại một Art Center ngay trên đường Brookhurst. Họ liên lạc xin phép sử dụng tài liệu của tôi. Tôi đồng ý ngay. Lý do: dù tôi có viết bài, làm chương trình phát thanh bao nhiều đi nữa thì mức độ phổ biến không thể bằng Thúy Nga. Khi Trần Nhật Phong hỏi ý tôi là có cho cô Thủy gọi điện thọai không, tôi bật cười “VC vinh danh Nguyễn Văn Đông thì chị cũng hoan hô, nói gì đến Thúy Nga!”.

Chị họ tôi nói đùa “Tài liệu từ em thật là quý. Không ai có audio ông Nguyễn Văn Đông nói về Hà Thanh, Phiên Gác Đêm Xuân, rồi lại còn dí dỏm kể chuyện lancer Thanh Tuyền, Giao Linh. Em tôi lý tưởng chứ người khác là họ lấy tiền bản quyền”.

Chị ấy không biết, tôi còn tặng lại cho Thúy Nga, một USB mà năm xưa Nguyễn Văn Đông gửi cho tôi. Trong đó ông chia thành Danh sách nhạc Nguyễn Văn Đông, Album nhạc, Chương trình Tổng Hợp Ca Sĩ ( một nhạc phẩm do nhiều ca sĩ hát), Nhạc Giáng Sinh, Tân Cổ Giao Duyên, Giáng Sinh trong Tân cổ Giao Duyên, Hình Nguyễn Văn Đông. Tôi nói với Thúy Nga rằng tôi sẽ thu thập mọi bài viết sau khi Nguyễn Văn Đông ra đi bỏ thêm vào USB với tên “Tiễn Biệt Nguyễn Văn Đông”.

Tất nhiên sẽ là bài viết của tôi và những cây bút đứng đắn. Tôi không thể chọn bài từ những người viết bậy. Họ rất tệ khi lợi dụng Nguyễn Văn Đông không còn nữa để đính chính. Những lời bịa đặt của họ, tôi nghĩ người hiểu biết sẽ đoán được ngay. Lý do: Nguyễn Văn Đông là người Nam, lớn tuổi, trầm tĩnh, đĩnh đạc và ông rất cẩn trọng. Không bao giờ có sự việc Nguyễn Văn Đông từ VN mà gọi điện thọai cho CTT từ trước 2000 và cũng không bao giờ Nguyễn Văn Đông có những ngôn ngữ “đặc sệt Bắc kỳ” như CTT đã “put vào miệng Nguyễn Văn Đông”. CTT cũng là người bịa đặt Nguyễn Văn Đông có bằng tiến sĩ Âm Nhạc để rồi vài người “ngớ ngẩn” đã viết theo vậy.

Tôi cũng đề nghị Thúy Nga tặng USB cho khách VIP còn thì bán mười đồng gì đó cho người khác. Tiền ấy sẽ gửi cho chị Thu để làm từ thiện cho Nguyễn Văn Đông. Tôi mong rằng khán thính giả yêu quý Nguyễn Văn Đông sẽ không tìm sách “sang” USB ra nhé.

Cô Tô Ngọc Thủy có lần nói “Con nghe cô kể về chú, con thấy rợn người. Giống như chú đã linh thiêng xui khiến sao con đọc được bài Kỷ Niệm của cô viết về chú trong Facebook của anh Trần Nhật Phong và con nhờ ảnh liên lạc với cô. Nhờ vậy chương trình về chú sẽ có được nhiều audio giá trị”.

Tôi mong chương trình Nguyễn Văn Đông ở Nam CA sẽ đông người dự và DVD sau đó được đón nhận. Tôi mong giới trẻ sau này trong nước sẽ biết đến một nhạc sĩ tài hoa trước 75 của VNCH: Nguyễn Văn Đông với giòng nhạc lính bi hùng và Phượng Linh với nhạc bolero, ông tổ của tân cổ giao duyên kiêm soạn giả cải lương.

Bây giờ là mùa Thu.

Người nhạc sĩ thứ hai tôi yêu mến đã bỏ tôi mà đi.

Không biết có khi nào anh về, nhéo tai trái của tôi để cho tôi biết: thế giới bên kia là có Thật không nhỉ.

Hà Thanh ơi, chị gặp Nguyễn Văn Đông nhé. Ngày xưa anh đã viết tiếng hát chị là một trong khoảng năm người anh ưng ý nhất nhưng rồi chị bỏ anh đi lấy chồng để mình anh trên con đường nghệ thuật. Giờ này nơi xa ấy Hà đang hát bài gì của anh cho anh nghe hả Nguyễn Văn Đông?

Hoàng Lan Chi

3/2018

Bài liên quan:

§ Kỷ Niệm với Nguyễn Văn Đông kỳ 5- March 14, 2018

§ Kỷ Niệm với Nguyễn Văn Đông kỳ 4- Vụ Thúy Nga- Kim Cương và Khán h Ngọc- Trường Sa Lương Tri Thế Giới- March 10, 2018

§ Kỷ Niệm với Nguyễn Văn Đông kỳ 3-Nỗi lòng người ở lại-Tiền bản q uyền ngày xưa-NVD, một người hào hoa lịch lãm- March 7, 2018

§ Kỷ Niệm với Nguyễn Văn Đông kỳ 2- Ns Trường Sa, Hãng dĩa VN và Sóng Thần, Thúy Nga mờ i NVĐ vào 2006- March 5, 2018

Kỷ Niệm với Nguyễn Văn Đông- Kỳ 1- Mấy Dặm Sơn Khê- March 4, 201 8

§ Tưởng Nhớ Ns Nguyễn Văn Đông – Feb 26, 2018

§

Ghi Chú: hình của tôi. Muốn sử dụng: xin ghi rõ nguồn.

Categories: Linh Tinh | Leave a comment

Kỷ Niệm với Nguyễn Văn Đông kỳ 5- March 14, 2018

Hoàng Lan Chi

Kỷ Niệm với Nguyễn Văn Đông Kỳ 5

NGUYỄN VĂN ĐÔNG NGƯỜI YÊU NHẠC PHÁP

Nguyễn Văn Đông giống như nhiều người của thời 1930 về trước là học Pháp ngữ, du học Pháp nên chịu ảnh hưởng Pháp rất nhiều. Thuở ấy, Pháp được coi là trung tâm nghệ thuật thế giới. Thuở ấy, với thế giới thì Hoa Kỳ chỉ là một quốc gia “mới” và không có chút gì gọi là có “một bề dày” trong lịch sử nghệ thuật. Thuở ấy, Paris, kinh đô ánh sáng là nơi nhiều người ao ước được đến thăm. Thuở ấy, sinh viên học sinh như chúng tôi bị mê hoặc bởi những nhạc phẩm của Phạm Duy phổ thơ Cung Trầm Tưởng nên say đắm “Ga Lyon đèn vàng, câm tay nhau muốn nói. Nói chi cũng muộn màng”. Sinh ngữ Pháp lúc đó còn được chuộng nên chúng tôi cũng bị quyến rũ bởi văn của Anatole France “Lá vàng rơi trên những pho tượng trắng trong vườn Lục Xâm Bảo”.

Biết Nguyễn Văn Đông là típ người ấy nên tôi đã vòi vĩnh Nguyễn Văn Đông: nhờ ông viết script cho chương trình “Những Nhạc Phẩm Ngoại Quốc Lừng Danh Một Thuở”.

Khi “vòi vĩnh”, tôi chưa hề biết Nguyễn Văn Đông bị tật ở tay, không đàn được. Tôi cũng không biết là dường như Nguyễn Văn Đông cũng không chạy được xe. Tôi cứ ngỡ Nguyễn Văn Đông như tôi: gõ, viết vi vút và cũng chạy xe vút vi.

Sau khi trình làng chương trình số 1 “Nhạc NQ Tuyển Chọn” do Nguyễn Văn Đông soạn script, tôi nhận một số “feedbacks”. Trong đó có những khuôn mặt “kỳ cựu”. Thì mấy cụ ấy gắn bó với văn hóa Pháp mà. VD như TS Phan Văn Song , nguyên Đảng trưởng Đại Việt Quốc Dân Đảng, TS Phan Văn Song-Pháp, viết thế này Lan Chi thân, Có dịp sang Virginiasẽ mời Lan Chi di nghe Nhac Pháp để LC “đắm đuối”. Mình có một lô anh em bạn già “dân truong tây” đã một thời trồng cây si trước cổng trường Gia Long nhưng vẫn thật thà không biết dân Gia Long “đắm đuối” nhạc Pháp.”

Một “feedback” góp ý là chương trình bị sai cái gì đó và tôi cũng có chuyển cho Nguyễn Văn Đông. Mới thực hiện chưa được bao lâu thì tôi ngưng không cộng tác với đài Việt Nam Hải Ngọai ở Hoa Thịnh Đốn nữa nên chương trình cũng ngưng theo. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông cũng quên lửng cho đến khi Viện Văn Hóa Pháp gửi giấy! Hóa ra, “ông cụ” đã lặn lội đến nơi này để tìm tài liệu viết bài. Kể như thế để chúng ta thấy là Nguyễn Văn Đông làm việc rất cẩn trọng, chu đáo. Hầu hết những người thời xưa thường có tính nết đó.

Bây giờ tôi thấy tiếc. Tiếc là 2012, tôi không “vòi vĩnh” Đông làm một chương trình gì đó với tôi và phát net cũng được.

CHUỖI MAILS

1- From: Lan Chi

Sent: Sunday, August 05, 2007 1:30 AM

Subject: giúp em

Hi anh Đông, em định làm 1 chương trình gioi thiệu nhạc ngoại quốc. bắt đầu là các bản nhạc Pháp, Anh nổi tiếng từ xưa. Nguoi phụ trách là bé Quỳnh Chi, con gái em. Anh có thể giúp em được không. Đó là em đưa bản nhạc, em nghĩ anh thuộc bài đó và anh giới thiệu một chút về bài đó/giống như đôi giòng về nội dung bài hát. Vậy đó. Cho em hay sớm. Thanks. Hoàng Lan Chi

2- From: NGUYEN VAN DONG

Sent: Sunday, August 5, 2007 12:18:56 AM
Subject: Re: giup em



Chào cô Lan Chi, tôi thuộc các bài hát xưa của Pháp nhiều hơn Anh. Những bài hát xưa thật là xưa. Tiếc thay các tài liệu về tác giả sáng tác, cấu trúc nhạc ra sao, ca sĩ nào hát hay nhứt, làm nhạc nền cho cuốn film nao, ra đời vào năm nào thì đã mất sách tròn trong biến cố 1975. Bây giờ giới thiệu nội dung bài hát thì được những thiếu Tiểu sử thì mất cái hay của nó. Muốn làm tốt thì phải có thời gian chờ anh Đông đi sưu tầm gốc gác ở "Thư Viện Pháp của Tòa Lãnh sự Pháp" ở đường Lê Thánh Tôn Saigon. Xin hỏi cháu Quynh Chị năm nay được mấy tuổi để viết lời dẫn giải cho đúng với đối tượng. Thí dụ một số bài hát Phap dưới đây có hợp với cháu Quỳnh Chi không ??? 1)- LA VIE EN ROSE : Quand il me prend dans ses bras. IL me parle tout bas 2)- J’ ATTENDRAI: J’attendrai le jour et là nuit. J’attendrai toujours ton retour 3)- LA CHANSON DE LARA ( Docteur Jivago) : Un jour Lara. Quand le vent a tourne.Un jour Lara. Ton amour t’aquitte 4)- QUI DEVANT DIEU : Qui devant dieu devant les hommes. Qui pour l’amour que tu me donnes 5)- QUE SERA SERA : Dans un berceau d’un vieux chateaux, une promesse vient d’arriver . 6)- UNE HISTOIRE D’AMOUR: Une histoire d’amour. Ou chaque jour devient pour nous le dernier jour 7)- CERISIER ROSE ET POMMIER BLANC : Quand nous jouions à là marelle.

3-From: Lan Chi

Sent: Sunday, August 5, 2007 11:23 PM
Subject: Re: giup em- chuong trinh nhac ngoai quoc tuyen chon

Anh Đông, Lúc sau này, trong chương trình của BPSOS, cuối chương trình ..còn dư 3 phút, kỳ trước em cho Sylvie Vartan hát La Plus bell… Kỳ này cho Francois Hardy với Tout les garcons et les filles. QC 23 tuổi. Nhưng nó học chương trình Pháp thuở bé. Coi như mình giúp nó thôi chứ nó bận học. Nó chỉ là người giới thiệu. Mình viết script cho nó. Còn nếu sau này, tự nó giới thiệu các nhạc phẩm Anh- mới bây giờ- thì nó hiểu nội dung các bài đó và sẽ tư6 viết chút đỉnh. Đúng như anh nói, khi giới thiệu mà có đầy đủ tác giả, tiểu sử, bản nhạc từng là nhạc chính của phim gì, tài tử đoạt giải gì hì chương trình tuyêt vời, tầm vóc cao, nghệ thuât cao…Thính giả sẽ nghiêng mình cảm phục. Ý Lan Chi là muốn như vậy! Các chương trình đầu, ý Lan Chi định để Quỳnh Chi chỉ gioi thiệu các nhạc phẩm Pháp vang bóng một thời như những bài anh vừa kể. Lý do, thính giả của đài Việt Nam Hải Ngoại đa số là cao, trung niên.Vì thế họ sẽ rất thích thú được nghe lại những bản Pháp nổi tiếng …

Cách thức cho CT số 1 có thể là vầy:

Chương trình giới thiệu nhạc ngoại quốc tuyển chọn- kỳ đầu tiên xin được dành để giới thiệu các nhạc phẩm Pháp nổi tiếng của các thập niên 50-60. Thua quý vị, các nhạc phẩm sống mãi với thời gian thì ở thời điểm nào cũng được thính giả đón nhận. Do đó, tuy Quỳnh chi thuộc thế hệ 80 nhưng phải nói cũng rất thích thú với các bản nhạc như Cầu sông Kwai hay Dòng Sông Xanh..

Chương trình hôm nay xin được giới thiêu các nhạc phẩm sau đây: Dòng Song Xanh Danube Bleu, La plus bell pour allez dancer, Que sera sera, Tout les garcons et les filles. Đặc biệt xin thưa cùng quý thinh giả, mỗi nhạc phẩm trên sẽ được trình bầy bởi một ca sĩ ngoại quốc và một ca sĩ Việt. Quỳnh Chi tin là quý thính giả sẽ rất thích thú khi được nghe lại cô Thái Thanh với Danube Bleu hay Thanh Lan với “La plus bell pour allez dancer”. Môt điều đăc biệt khác, chương trình được sự cố vấn của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông về nội dung, nhạc phẩm và môt số các chi tiết liên quan đến từng nhạc phẩm mà Qùynh Chi tin rằng quý vị sẽ hài lòng. “Danube Bleu”, 1 nhạc phẩm lừng danh thế giới mà một số người cho rằng, cho đến nay, chưa có một nhạc phẩm nào sánh nổi. Giòng nhạc lộng lẫy, sang trọng với những tiết tấu khi luớt êm khi dồn dâp. Nhạc phẩm này từng được ca sĩ …. (Lan Chi không nhớ rõ à nha) khi hát bản này đã làm cả thế giới rúng động mê mẩn…Xin mời nghe Danube Bleu với ca sĩ Frank Sinatra và sau đó lới Viêt với tiếng hát Thái Thanh.

Hi anh, như vậy đó. Không dài giòng lắm.Vừa đủ để giới thiệu bản nhạc, đoạt giải gì, ca sĩ làm sao. Những nhạc phẩm đó, Lan Chi có đủ hết. Anh chỉ viết giúp script cho bé Quỳnh Chi nói, giới thiệu thôi. Cảm ơn anh. Hoàng Lan Chi

4-From: NGUYỄN VĂN ĐÔNG

Sent: Tuesday, August 21, 2007 10:33 PM

Cô Lan Chi, Tôi vừa nhận đuoc Thẻ hội viên hôm nay ( 8/21/2007 ). Tài liệu Thư viện rất phong phú, đặc biệt từ thập niên 80 cho đến nay. Riêng tài liệu của thập niên 50- 60- 70 rất khó tìm vì không cập nhật trên computer, nên phải mất nhiều thời gian lục lọi trong tủ sách. Buổi chiều nay tôi tìm được tài liệu về Francoise Hardy với "Tous les garcons et les filles"của CT số 1. Đính kèm vài hình ảnh của Thư viện Pháp ở số 28 Lê Thánh Tôn, Quận 1, Saigon: 1- Thư viện Phap, 2- NVD đúng truoc Thư viện. 3- NVD ben trong Thư viện. 4- Tài liệu về Francoise Hardy.

Nguyễn Văn Đông trước, trong Thư Viện Pháp và tài liệu mà ông tìm để viết script cho chương trình Nhạc Ngoại Quốc Tuyển Chọn do Lan Chi nhờ

5-From: NGUYEN VAN DONG

Goi co Lan Chi ban nhap ”Chuong trinh so 1” de tuy nghi them bot. Bai viet Mode VNI- Code VNI. Neu khong doc duoc cho biet. Than.NVD

6- From: Lan Chi

Sent: Sunday, September 09, 2007 10:22 AM

Subject: co roi

Anh Nguyễn Văn Đông, em tìm trong sổ ra số phone của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý rồi. Em moi gọi về VN và nhắn chú Tý ghé nhà bạn em lấy 100 mỹ kim em biếu. Nguyên nhân là em moi xem DVD, thấy chú Tý nói khổ và chửi CS. Em găp chú Tý lần đầu năm 2003 khi Phạm Duy về nước chơi và em , 2 cô bạn em- cùng Phạm Duy đến nhà Lưu Trọng Văn (con Lưu Trọng Lư) . Em thấy chú Tý lành. Hồi đó chú Tý có nhờ em xem có ai cần phổ thơ họ thì gioi thiệu cho chú nhưng đợt đó em đang ở VN và không biết ai cần cả. DVD hát với thần tượng của Asia, trong đó chú Tý chửi thẳng chế độ CS. Em biết, ở lại vơi cộng sản thì phải khổ. Vì muốn kiếm sống, chú Tý phải sáng tác 1 vài nhạc phẩm ca tụng chúng nó. Xem cuôn DVD này, em đau lòng khi thấy nhạc sĩ Trúc Phương đã phải sống rất khổ cực, chết đau buồn. Em cũng có nói cho chú Tý biết, em không chơi với Phạm Duy kể từ khi chú ấy về VN và tuyên bố nhảm nhí. Anh may mắn là cụôc sống bây giờ đỡ vất vả. Em mơi qua , không giàu -nhưng thấy hoàn cảnh chú Tý, em giúp chú chút ít.Em căm ghét mấy tên ở hải ngoại đang trở cờ theo CS! Em nghĩ là chả ai dám làm phiền anh vì mail này cả. Nếu có thì lần sau em không viết như vây nữa. Hì

7- From: NGUYEN VAN DONG
Sent: Sunday, September 9, 2007 2:41 PM
Subject: Re: co roi

Cô Lan Chi, Tốt thôi ! Lan Chi nói, anh Đông không nói, không liên can! Đừng sợ! Ông Phạm Duy bây giờ vui lắm, vừa có tình yêu, lại có Phong trà hái ra tiền. Gia đình con trai, con gái, dâu rể, đề huề làm văn nghệ. Mấy ai tuổi già được vậy. Nghe nói ông Tý bây giờ đau yếu không làm gì, được nhận quà chắc mừng lắm. CT số 2 nên để cháu Quỳnh Chi chọn bài cho có màu sắc tuổi trẻ, anh Đông viết Draft. Thân. NVD

8-From: Lan Chi

Sent: Tuesday, December 09, 2008 7:03 AM

Subject: Fw: [SONFRIENDS] Nhung nhac pham Phap lung danh mot thoi- Lan Chi thuc hien

Anh Đông ơi, Lan Chi mới gửi chương trình nhạc Pháp số 1 lên net mà thiên hạ hưởng ứng khen quá xá nhưng có người nhắc cái này. Anh xem lại dùm Lan Chi được không. Để Lan Chi fw các mail người ta khen nhé. Cả ông Phan văn Song ở Pháp, ô Văn Quang ở VN. Cho nên nếu nếu nếu …anh tiếp tục sọan script cho em thì hay biết mấy. Anh há ! Em Lan Chi

From: Bui Le, Giao

Sent: Monday, December 08, 2008 1:23 PM

Subject: RE: [SONFRIENDS] Nhung nhac pham Phap lung danh mot thoi- Lan Chi thuc hien

Tác giả Hoàng Lan Chi ơi, Xin kiểm chứng lại nhé: đây là information về bài Bang Bang (). Bài nầy xuất phát từ Mỹ, của Sonny Bono, do Cher trình bày. Dalida hát bằng tiếng Tây ban nha và Pháp sau đó:

. Về sau, nhạc sĩ da đenTracy Chapman viết bài Bang! Bang! Bang!, hoàn toàn khác:

9- From: NGUYEN VAN DONG

Sent: Tuesday, December 9, 2008 6:17 PM
Subject: Re: [SONFRIENDS] Nhung nhac pham Phap lung danh mot thoi- Lan Chi thuc hien

Lan Chi mến, OK ! Ông bạn Bui Le Giao nói đúng, còn mình sai rồi. Đúng là có 2 bản Bang Bang khác nhau. Một là BANG BANG (có 2 chữ) của tác giả Sonny Bono và BANG BANG BANG (có 3 chữ) của tác giả Tracy Chapman. Sàigòn thuở đó Thanh Lan hát bài Bang Bang của Sonny Bono, không phải bài Bang Bang Bang của Tracy Chapman. Không biết "Ma đưa lối Quỷ dẫn đường" thế nào lại có sự nhầm lẫn như vậy. Nhắc lại chuyện này.Tài liệu của Viện Văn Hoá Pháp cho mượn 1 tháng. Anh Đông đem về nhà trễ hẹn 2 tháng bị họ phạt treo Thẻ Hội Viên 3 tháng. Tới nay anh Đông cũng chưa đến nhận lại thẻ này. Lỗi rỏ rệt rồi, Lan Chi gởi lời xin lỗi ông Bui Le Giao vậy thôi. Chúc cô vui khoẻ và chương trình được suông sẻ. Anh Đông.

LỜI CUỐI

Bên trời Tây, mùa Xuân đang về. Bên này đại dương thì mùa Thu đang lững thững đến. Xuân hay Thu đều là hai mùa đáng yêu của đất trời.

Muôn đời thì chúng ta luôn rơi vào tình trạng này: có những điều qua đi rồi mới tiếc. Tôi tiếc là quá bận bịu để không “dụ dỗ” Nguyễn Văn Đông kể nhiều hơn và chỉ phổ biến sau khi anh đi vào nơi xa lắm. “Dụ dỗ” như thế thì chắc Đông sẽ không còn ngại ngần.

Vì cha già, Nguyễn Văn Đông không đi Mỹ. Vì quá bịnh tật, Nguyễn Văn Đông cũng không đi Mỹ đợt hai. Trở về từ cõi chết, Nguyễn Văn Đông chọn con đường thinh lặng. Thinh lặng vì nếu ông ồn ào ở hải ngoại thì sẽ ảnh hưởng đến tiệm bánh mì, phương tiện sinh nhai của gia đình ông. Dù sao tiệm bánh cũng giúp ông KHÔNG BỊ LỆ THUỘC NHIỀU so với việc ông đi làm ở sở công hay tư. Với địa vị đó, câp bực đó, đã nhiều lần vc muốn ông ra cộng tác với họ; hoặc nếu không cộng tác thì nói vài điều trong các dịp lễ để ra cái điều là nhà cầm quyền không phân biệt đối xử, rằng nhà cầm quyền đã cư xử tốt với người cũ…Ông luôn tìm mọi cách từ chối mà cách thông dụng nhất là …lăn đùng ra bịnh trước đó một tuần chẳng hạn.

Trở lại, phải chi tôi dành thì giờ để nghe Nguyễn Văn Đông kể về những giai đoạn đầu của tân cổ nhạc trong những năm đầu của nền đệ nhất cộng hòa, về hoạt động của các hãng băng dĩa, về những nghệ sĩ- chiến sĩ rong ngành tâm lý chiến, chính huấn… thì bây giờ đời sau đã có nhiều tài liệu lịch sử.

Nguyễn Văn Đông đã có những nhạc phẩm lính hay theo kiểu riêng của ông mà tôi là một ví dụ về “thính giả ưa thích”.

Nguyễn Văn Đông cũng có những nhạc phẩm bolero với bút hiệu Phượng Linh mà ông viết cho Giao Linh, Thanh Tuyền hát mà nhiều người say đắm.

Nguyễn Văn Đông cũng góp phần vào cải lương, cổ nhạc của nghệ thuật miền Nam.

Nguyễn Văn Đông đã ký hợp đồng với vài nhạc sĩ có tài và các nhạc sĩ này đã có đời sống giàu có từ những sản phẩm âm nhạc của họ.

Nguyễn Văn Đông đã góp phần cung cấp những giọng hát “đẹp” cho tân nhạc VN. Họ bước vào con đường ca hát, sống với con đường ấy một cách đường hoàng bằng chính tài nghệ của họ. Thanh Tuyền, Giao Linh là hai ví dụ điển hình cho “việc làm chính đáng không vẩn chút bùn đen” nào của Nguyễn Văn Đông.

Nguyễn Văn Đông đã yêu Kim Cương vì tài nghệ đóng kịch nhưng cuối cùng không kết hôn vì cảm thấy khó phù hợp.

Nguyễn Văn Đông cũng đã được nhiều cô đào cải lương nhất nhì của Sài Gòn thuở ấy, thương/yêu mến nhưng có lẽ cũng có lý do gì đó mà ông khép cửa lòng.

Nguyễn Văn Đông không đi vì vướng cha già duy nhất.

Nguyễn Văn Đông bị hơn mười năm tù.

Nguyễn Văn Đông trở về trên băng ca và chờ chết.

Nguyễn Văn Đông bước ra từ cõi chết nhờ bàn tay chăm sóc của chị Thu, người cùng làm việc ở hãng Continental với ông.

Nguyễn Văn Đông sống khép kín. Không làm việc với cs. Không hợp tác với cs. Dù bị dụ dỗ nhiều lần, Nguyễn Văn Đông vẫn né tránh, khước từ.

Nguyễn Văn Đông làm đầy đủ bổn phận và đã được thưởng Bảo Quốc Huân Chương và huân chương của Mỹ "Merite Medal N:1" trong cuộc đời binh nghiệp,. Nguyễn Văn Đông không làm ăng ten, hại anh em đồng đội khi tù đày.

Tất cả, tất cả những điều trên khiến tôi tin tưởng rằng Nguyễn Văn Đông xứng đáng giữ một vị trí tốt đẹp trong chúng ta vì những đóng góp trong nghệ thuật của ông.

Là một người vô tình phỏng vấn Nguyễn Văn Đông rồi trở thành “một cô em gái”, tôi đã được Nguyễn Văn Đông chia sẻ nhiều thứ. Tất nhiên, tôi đã lọc lựa, nhặt nhạnh để lựa chọn những gì mà tôi có thể chia sẻ lại với mọi người và cái gì thì tôi giữ lại cho riêng mình.

Tiếc là không nghe Nguyễn Văn Đông kể nhiều hơn để có “tài liệu lịch sử” cho người sau biết về một thời kỳ hoàng kim của tân cổ nhạc miền Nam thì tôi cũng đã tiếc rồi.

Với năm kỳ viết “Kỷ niệm với Nguyễn Văn Đông”, tôi nghĩ tôi dừng ở đây. Niềm vui của tôi là sau khi Nguyễn Văn Đông nằm xuống, nhiều người trẻ mới được nghe lại nhạc Nguyễn Văn Đông , qua các chương trình tưởng nhớ của Thúy Nga, Tâm Đoan, Phương Dung, Giao Linh, Thanh Tuyền và nhiều chủ chanel youtube khác. Những người trẻ ấy đã ngạc nhiên và rất yêu mến dòng nhạc Nguyễn Văn Đông và cả Phượng Linh. Tràn ngập những lời tiếc thương ở net, youtube, Facebook …

Hình ảnh đẹp cuối cùng còn đọng lại trong tôi hôm nay là người Sài Gòn đứng nghiêm dơ tay lên trán chào tiễn biệt Nguyễn Văn Đông.

Phải chăng đó là

CHO NGHÌN SAU NỐI LẠI NGHÌN XƯA.

Hoàng Lan Chi

3/2018

§ Kỷ Niệm với Nguyễn Văn Đông kỳ 4- Vụ Thúy Nga- Kim Cương và Khán h Ngọc- Trường Sa Lương Tri Thế Giới- March 10, 2018

§ Kỷ Niệm với Nguyễn Văn Đông kỳ 3-Nỗi lòng người ở lại-Tiền bản q uyền ngày xưa-NVD, một người hào hoa lịch lãm- March 7, 2018

§ Kỷ Niệm với Nguyễn Văn Đông kỳ 2- Ns Trường Sa, Hãng dĩa VN và Sóng Thần, Thúy Nga mờ i NVĐ vào 2006- March 5, 2018

§ Kỷ Niệm với Nguyễn Văn Đông- Kỳ 1- Mấy Dặm Sơn Khê- March 4, 201 8

Trang tưởng nhớ Nguyễn Văn Đông:

§ Trang Tưởng Nhớ Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông – Feb 28, 2018

Categories: Linh Tinh | Leave a comment

Kỷ Niệm với Nguyễn Văn Đông kỳ 4- Vụ Thúy Nga- Kim Cương và Khán h Ngọc- Trường Sa Lương Tri Thế Giới- March 10, 2018

Hoàng Lan Chi

Kỷ Niệm với Nguyễn Văn Đông kỳ 4

-Vụ Thúy Nga mời Nguyễn Văn Đông

-Kim Cương- Khánh Ngọc

-Trường Sa, Lương Tri Thế Giới

TT THÚY NGA MỜI VÀO 2006

Trên net, trong bài viết của mình, ông Chu Tất Tiến đã viết không đúng như sau “Thoạt đầu, anh cũng đồng ý đi Mỹ và anh đã gửi cho em nguyên một tập nhạc của anh sáng tác để tùy nghi trung tâm lựa chọn. Chương trình tiến triển tốt đẹp. Trung Tâm băng nhạc đã làm Visa cho anh sang Mỹ. Nhưng đột nhiên, anh gọi điện thoại cho em và nói rằng anh không đi nữa. Anh nói: “Anh biết là sau khi về lại Việt Nam thì thế nào anh cũng bị kiểm điểm bởi những thằng nhóc con. Mà anh lớn tuổi rồi, anh không muốn bị gọi lên đồn công an, để trả lời cuộc thẩm vấn bởi mấy tên con nít, không biết gì về âm nhạc cả! Mấy ca sĩ cải lương, tân nhạc gì sang Mỹ về cũng phải gặp công an, “dạ, dạ thưa anh, thưa chị.” Anh không thể làm được chuyện đó, em thông cảm cho anh. Anh cám ơn em đã lo lắng chu tất cho anh, nhưng anh không thể, em ạ!” Vì anh là người có Tư Cách và Nhân Cách lớn, không giống như nhiều người khác nên anh nhất định hy sinh một cơ hội rạng danh mình cũng như tạo được một kỷ niệm lớn, để lại cho hậu thế những thông tin về một người nhạc sĩ lớn, một trong những Bậc Thầy về Âm Nhạc của Việt Nam, người đã được tặng bằng Tiến Sĩ Âm Nhạc tại Pháp. Ngưng trích Chu Tất Tiến

Chu Tất Tiến đã “bịa đặt” như thật. Khi đọc câu nói của Nguyễn Văn Đông do CTT kể, tôi biết ngay CTT đã bịa đặt vì đó không phải là giọng của Nguyễn Văn Đông. Thứ đến, CTT không dám ghi rõ đó là Trung tâm nào mà CTT liên lạc với họ. Thứ ba, CTT bịa đặt là Nguyễn Văn Đông gọi điện thọai cho CTT. Trời đất, cách đây cả hai chục năm mà CTT làm như Nguyễn Văn Đông ở VN chỉ cần bốc điện thọai là gọi? Nguyễn Văn Đông không bao giờ gọi cho ai cả. Thứ tư, không ai được gặp trực tiếp Nguyễn Văn Đông hết. Lúc nào cũng do chị Thu nghe điện thọai trước và chị Thu lọc lựa.

Đây là mail mà Nguyễn Văn Đông gửi cho tôi vào 2007. Năm đó, sau khi tôi thực hiện chương trình Tết với bài “Phiên Gác Đêm Xuân” thì tôi có hỏi vụ Thúy Nga và có đề nghị là “Nếu vc làm khó dễ thì hãy để chúng tôi viết báo đánh động dư luận khắp nơi” thì Nguyễn Văn Đông đã trả lời tôi và ông cũng scan giấy tờ năm trước mà TT Thúy Nga đã xin cho ông. Năm sau TT Thúy Nga lại xin nữa. Tóm lại: Mỹ KHÔNG CẤP VISA CHO NGUYỄN VĂN ĐÔNG. Chu Tất Tiến trước khi bịa đặt nên e-mail hỏi ngay ông Tô Văn Lai thì tốt hơn. Về phần tôi: 2007 sau khi nghe xong chuyện từ Nguyễn Văn Đông rồi thì thôi, không nói tới nữa. Sau đó vài tháng, tôi viết tạp ghi “Viết Cho Người Còn Ở Lại”. Tôi đưa Nguyễn Văn Đông xem trước. Nguyễn Văn Đông xin tôi cho thêm một đoạn vào bài . Đoạn đó là vầy “Trong một lần trao đổi tâm tình, chuyện đời chuyện nghề với Lan Chi, nhạc sĩ Nguyễn văn Đông tỏ ý tạ lỗi với Trung Tâm Thuý Nga, đặc biệt là với ông Tô văn Lai, người điều hành Trung Tâm này. Ông Tô Văn Lai đã cùng với ông lên kế hoạch phác thảo chương trình nhạc Nguyễn văn Đông trong suốt ba năm trời, và đã duyệt đi duyệt lại nhiều lần vì sự an nguy của người còn ở lại trong nước, vốn có vai vế trong xã hội ngày xưa. Từ chủ đề “Nguyễn văn Đông – Một thời chinh chiến” xét ra không ổn, đổi thành chủ đề “Hát cho tương lai Việt Nam“, xét cũng không yên, chỉ vì chương trình Nguyễn văn Đông mà không có nhạc lính, không có bóng dáng anh lính Cộng hòa minh họa trong chương trình thì không còn là Nguyễn văn Đông nữa. Sau nhiều lần hứa hẹn với người yêu nhạc, ông Tô văn Lai cùng Trung Tâm Thuý Nga dù hết sức cố gắng thu hẹp khoảng cách tư duy bên này bên kia, cũng đành phụ lòng mong mỏi của cộng đồng về một chương trình mà nhiều người mong đợi. Ngưng trích.

Trích mail của Nguyễn Văn Đông từ 2007:

From: NGUYEN VAN DONG
Sent: Tuesday, March 20, 2007 3:46 PM
Subject: Re: thuy nga?

Chào chị,

1) Cách đây một năm, Thuy Nga có mời tôi sang Hoa kỳ nhưng việc bất thành vì việc xin Visa không như mong muốn nên tôi không đi. Theo suy nghĩ của tôi là Toà Đại sứ Hoa kỳ ở VN không có thiện cảm với tôi. Lý đó là cấp bực Đại tá, có huy chương "Bảo quốc Huân Chương Việt Nam" , có huy chương cao quý của Hoa kỳ với danh hiệu " Merite Medal N:1", và 10 năm “học tập cải tạo”, nhưng tôi lại rút đơn đi HO xin ở lại Việt Nam. Nay Thuý Nga có ý định mời tôi sang tháng 4 hay tháng 5/ 2007, không biết lần này có xin được Visa không. Đính kèm ( Attach ) 3 lá thư mời dì Mỹ vao tháng 2/2006 năm trước.

2) Việc chào hỏi cô Lan Chi bằng " chị " là biểu lộ sự trân trọng.

3) Báo "Thế Giới Nghệ Sĩ " của Trần Quốc Bảo thì không trở ngại gì cả. Mấy năm trước đây, Trần Quốc Bảo về nước có mang báo TGNS tặng cho tôi.

4) Tôi gặp Phạm Duy có nói HLC gởi lời hỏi thăm, Phạm Duy chỉ gật gật đầu nói " Biết biết" rồi thôi. Tôi sẽ tìm tấm hình của PD chụp ở Saigon gởi tặng chị.

Rất vui được biết nhiều nguoi thích chuyện Phiên Gác Đêm Xuân. Vậy chị đã tung trên NET hay cho phát trên Đài phát thanh ??? Chúc chị vui và dồi dào sức khỏe. NVD

Tóm lại, xin các vị viết về Nguyễn Văn Đông, làm ơn đừng tưởng tượng như Chu Tất Tiến. CTT bịa đặt để “bốc thơm sai” ông Đông. Sự bốc thơm sai sẽ làm nhiều người “ngứa mắt”. Điều đó không nên.

SĨ PHÚ VỚI DÁNG XUÂN XƯA

Tôi gửi hình hoa đào Hoa Thịnh Đốn của tôi cho Nguyễn Văn Đông. Anh trả lời cho tôi và copy cho cả Lê Hữu và Đỗ Văn Phúc như vầy:

1-From: NGUYEN VAN DONG

Sent: Sunday, April 6, 2008 7:26 PM
Subject: Re: hoa dao 2008

Cô Lan Chi mến,

Hôm nay Saigon ngày Chúa nhật, thiên hạ rủ nhau đi xem Hội hoa ở Vườn Tao Đàn. Anh Đông tu tại gia nên ngồi nhà xem tập ảnh " Hoa đào 2008", ngỡ mình lạc vào xứ thần tiên Alice, đi thăm thú Tô Châu, Hàn Châu, hình ảnh giai nhân từ trong tranh bước ra trong chuyện cổ tích. Rồi bồi hồi nhớ thuở xa xưa thời trai trẻ, anh Đông có lần lạc vào vườn đào, mê man dệt khúc nhạc tình si. Mời cô Lan Chi và hai bạn trẻ Lê Hữu, Đỗ Phúc nghe lại " Dáng Xuân Xưa " kể chuyện vườn đào, do Sĩ Phú cả trên 40 năm trước. Qua việc nầy, biết đâu lai gợi hứng cho anh Đông có thêm bài Thất tình ca. Xin cảm ơn cô Lan Chi. Nhưng lại tiếc cô không ưa nhạc sầu thảm bi thương. Thân. Anh Đông

Sau đó Lê Hữu khen và anh Đông kể chuyện Sĩ Phú:

2-From Nguyễn Văn Đông

Lê Hữu mến,

Nhân Lê Hữu khen Sĩ Phu hát hay, anh Đông nhớ lại chuyện xưa. Trước ngày thâu thanh, anh Đông đích thân tập cho Sĩ Phu hát bài này, không phải một lần mà nhiều lần nên Sĩ Phu mới đạt được yêu cầu như vậy. Bài hát tưởng chừng đơn giản nhưng kỹ thuật " vocal " rất khó, không phải ca sĩ nào cũng thể hiện được tốt như thế. Lý do là kiến trúc của bài hát có đến 2 lần viết dưới phần trăm quãng 8 ( sous octave ) với ý do tạo sự " sững sờ " ( petrify ) va " tình cờ " ( casual ) trong âm nhac. Khi hát được rồi, Sĩ Phu rất thích, đi đâu cũng hát.

Nghe Sĩ Phú với Dáng Xuân Xưa của Nguyễn Văn Đông:

https://youtu.be/3AvnuLqvaE8

NGUYỄN VĂN ĐÔNG VỚI TRƯỜNG SA LƯƠNG TRI THẾ GIỚI

2014. Nguyễn Văn Đông nói có sáng tác mới. Ông già này ưa giận hờn như trẻ con ( giống như khi gửi “Dáng Xuân Xưa”thì ổng nói chắc Hoàng Lan Chi không thích vì nhạc buồn). Còn 2014 thì ổng nói Hoàng Lan Chi chắc không thích nhạc hùng. Thế là Hoàng Lan Chi …lại cãi nhau với ổng!

1-From: Hoàng Lan Chi

Em “quấn” anh bây giờ á. Sáng tác mới là bài gì, đưa em coi? Hồi nãy em đưa youtube chị Hà vào blog, em có nghe lại bản Sài Gòn của Anh Nguyễn. Trần Kiêm Thuý Vy, em chị Hà cho em mớ hình gia đình của Hà Thanh..Số người vào blog Hà đang tăng. Làm sao em độc quyền anh được khi anh chưa ký giấy! (cười). Anh ăn chocolat chưa? Em thích lâu lâu nhâm nhi viên mầu đỏ Lindor. Cuối January, em đi học, thì lại bận túi bụi.

2-From: Nguyễn Văn Đông
Sent: Monday, January 06, 2014 7:58 AM
Subject: Bài hát : TRƯỜNG SA LƯƠNG TRI THẾ GIỚI.

Em à,

Em đòi thì anh chìu nhưng biết phụ nữ không mấy người thích loại hùng ca. Anh viết vì thấy lòng mình thôi thúc muốn góp phần vào cuộc đấu tranh của đồng bào diển ra trong nước hiện nay. Loại này khó viết hơn tình ca, thường người viết đuợc Nhà nước đặt hàng. Bài “Trường Sa lương tri thế giới” do ca sĩ trẽ Trần Tuất Kiệt ca và dàn dựng dàn bè với các sinh viên nhạc viện thành phố cách đây vài tháng. Trần Tuất Kiệt quá tham lam, độc chiếm hát solo một mình suốt bài, thiếu duo, thiếu tốp ca khi vào khi ra nên bản nhạc đơn cử tầm tầm, thiếu khí thế bùng nổ từng đoạn, từng câu nhạc. Thêm vào đó, bộ phận “mixer” cũng yếu nên dàn bè chìm nghĩm, mờ nhạt, không làm thành một nền nhạc gắn bó, quyện nhau. Hy vọng Ban Tù Ca làm tốt hơn. Em có ý kiến gì không. (Anh chưa chuyển cho họ).

Đính kèm 5 files : 1- MP3 do Trần Tuất Kiệt hát. 2- MP3 Melody. 3 – Bản lời ca Trường Sa . 4 và 5- Bản nốt nhạc Trường Sa 1 và 2.

Anh Đông

3-From: Lan Chi

Sent: Monday, January 06, 2014 9:07 AM
To: Subject: RE: Bài hát : TRƯỜNG SA LƯƠNG TRI THẾ GIỚI.-2

Ai nói với anh phụ nữ Hoàng Lan Chi không thích hùng ca? Lầm to nhe. Khi đến nhà anh họ Dzi Dinh, em xúc động vì được nghe lại hùng ca. HLC là một phụ nữ đặc biệt. Đặc biệt vì luôn có 2 cái có vẻ trái ngược: con người khoa học rạch ròi nhưng lại ưa văn chương; vừa yêu quê hương theo kiểu active nghĩa là dấn thân vào chốn "sa trường" (trường văn trận bút) để đập tan lũ việt gian (!) nhưng lại rất mê đắm tình ca quê hương với sáo diều, tre trúc ( vì thế mê tình ca quê hương của Phạm Duy), vừa ưa thích hùng ca vừa ưa thích tình ca. Bài chiến ca " Cờ bay trên cổ thành Quảng Trị" luôn làm em rớt nước mắt. Em mới nghe bài của anh xong. Đúng là Tuấn Kiệt dỏm quá. Loại nhạc này mà đơn ca thì hỏng bét. Phải có môt dàn nhạc thật hay, có đồng ca, có bè …Anh có thân với Lê Văn Khoa không? Vì em thấy có vẻ nếu để Lê Văn Khoa hoà âm và nhóm nghệ sĩ bạn ảnh hát thì hay hơn?

KHÁNH NGỌC VÀ KIM CƯƠNG

Một lần tôi hỏi Nguyễn Văn Đông có phải Phạm Duy từng kiện ông vì nốt nhạc giống nhau không thì Nguyễn Văn Đông trả lời vầy: Khánh Ngọc tuyên bố “Người mà tôi muốn ngoại tình là ông Đông, chứ không phải PD”. Lúc đọc mail, tôi thầm nghĩ bố Đông này bịa chuyện chứ làm gì Khánh Ngọc nói vậy. Tuy thế, tôi lại có dịp chê Kim Cương! Tôi bảo Nguyễn Văn Đông rằng tôi thích nhan sắc Khánh Ngọc lắm, còn với tôi thì Kim Cương xấu ỉn! Rồi tôi chọc Nguyễn Văn Đông “Nói thiệt, anh lấy Mộng Tuyền hay Thanh Nga thì xứng chứ bà Kim Cương xấu chết. Không xứng với anh”. Mỗi lần tôi chê Kim Cương thì Nguyễn Văn Đông đều lặng thinh. ( cười).

Chuỗi mails:

1-From: Nguyễn Văn Đông

Sent: Sunday, February 1, 2015 3:35 AM
Subject: Re: noi cho rõ

Em à, Cho anh xin địa chỉ gởi quà. Chắc chắn có đũ thứ em thích. Hy vọng quà đến tay vào những ngày đầu năm mới Ất Mùi. Thư vừa rồi em bảo anh hư, nếu em biết được vì sao anh đổ đốn như vậy, chắc em khóc thét vì mất niềm tin cuộc đời này. Chính thần tượng Phạm Duy, một trong hai nhạc sĩ em yêu mến, đã truyền tải cảm xúc “yêu tinh” sang anh, biến anh thành nghiện ngập, bị bỏ bùa không thuốc chửa. Trước 75, PD không ưa gì anh. Sau 75, PD về nước lại hay tìm đến anh, nhứt là Duy Quang chết rồi lại rất quý anh. Ngày ấy anh cải tạo trở về tan nát hết, thể xác tinh thần suy sụp thê thảm. Kim Cương tổ chức cho PD, Trần Văn Khê và anh đi chung trong nhóm từ thiện. Từ đó anh bị PD lôi cuốn trở thành con nghiện chuyện tình ái của ông ta. Đây là câu thơ dung tục do ông đọc cho anh nghe:

“Trong nhà gì đẹp bằng sen, cũng khe suối ấm cũng chen nhị hồng”.

2-From: HoangLanChi
Sent: Sunday, February 1, 2015 11:40 PM

Em đây. Đang nhâm nhi cà phê. Phải cãi nhau một tí với anh nhen

1-Phạm Duy không hề là thần tượng của em. Trên đời này nếu có ai là thần tượng thi người đó là người học giỏi, có đạo đức, tư cách, biết sống cho cả xã hội và quê hương ngoài gia đình nhỏ của mình. Em rât ít thần tượng giới nghệ sỹ.

2-PD cũng như anh là 2 nhạc sĩ em yêu mến nhất mà thôi. Em mới biết trước kia PD có kiện anh. NHưng có lẽ khi về, PD thấy anh thì thương mến. Em cũng mến Duy Quang. Nó hiền lành.

3-Anh thấy hong, Anh thầy nhỏ viết mail cho em, ca tụng em là người con gái hiền lành nề nếp trong trắng ngây thơ (!!), sao anh nỡ lòng nào nhuộm ố tâm hồn tong tắng của em?? Em hỏng chiệu nghe mấy câu thơ nhảm của Phạm Duy đâu.

4-Địa chỉ thì anh gửi cho anh họ em, cho an toàn. Nhà anh em là mobil home, như cư xá, số 55. Anh nhớ ghi thật đúng nha. Thiếu số 55 là nó chạy sang nơi khác á.

5-Anh cố qua đây đi. Ngắm mùa thu lá mapple với em.

3-From: Nguyễn Văn Đông
Sent: Sunday, February 8, 2015 6:53 PM

Em à, Anh vô cùng ngạc nhiên về cái tin em viết PD kiện anh. Lại có ai đó thuốc nước em rồi. Không hề có việc kiện thưa, PD không ưa anh vì một lý do khác, nghe ra rất quái. Trước 1975, anh là nhà sản xuất băng đĩa nhạc (Continental, Sơn Ca, Premier), là người có thẩm quyền quyết định chọn mua nhạc thâu thanh, quảng bá tác phẩm, mang lại tài lộc và danh tiếng cho nhạc sĩ và ca sĩ nên ai nấy cũng đều muốn kết thân. PD và ban Thăng Long cũng không ngoại lệ. Việc PD không ưa anh là khi xảy ra vụ um sùm ăn chè Nhà Bè. Khi cao trào báo chí quậy tung lên chuyện PD và KN ngoại tình thì cô KN dỏng dạc tuyên bố câu xanh dờn: “Người mà tôi muốn ngoại tình là ông Đông, chứ không phải PD”. Rồi KN tách Ban Thăng Long, cô gia nhập Ban Vì Dân của anh. Từ đó, chồng cũ PĐC không nhìn mặt anh, còn PD xỏ ngọt rằng anh là trai tân có quyền thế, chớ tài nghệ chẳng lăm hơi! Dưới mắt anh, KH tài sắc bậc nhất thời đó, cô ca hay lại xinh đẹp hấp dẩn, đàn ông khó cưởng lại sức quyến rũ của cô. Năm 1963, cô KN xung đột với KC, bỏ Vì Dân đi Mỹ, từ đó bặt tin luôn. Qua PD cho biết, cô KN hiện ở Houston, lập gia đình với một luật sư nhưng nay sống đơn thân.

Hoàng Lan Chi

Còn tiếp

§ Kỷ Niệm với Nguyễn Văn Đông kỳ 3-Nỗi lòng người ở lại-Tiền bản q uyền ngày xưa-NVD, một người hào hoa lịch lãm- March 7, 2018

§ Kỷ Niệm với Nguyễn Văn Đông kỳ 2- Ns Trường Sa, Hãng dĩa VN và Sóng Thần, Thúy Nga mờ i NVĐ vào 2006- March 5, 2018

Kỷ Niệm với Nguyễn Văn Đông- Kỳ 1- Mấy Dặm Sơn Khê- March 4, 201 8

Categories: Linh Tinh | Leave a comment

Thúy Vy: Nói về người anh khả kính: Nguyễn Văn Đông- March 4, 2018

GT bài của Trần Kiêm Thúy Vy, em gái chị Hà Thanh

Năm 2014, chúng tôi cũng có gt PPS tựa “ Gia đình Hà Thanh cảm ơn Ns Nguyễn Văn Đông- vụ Mậu Thân Huế.

Trần Kiêm Thúy Vy

Boston March 4, 2018

Nói về người anh khả kính : NGUYỄN VĂN ĐÔNG

Cám ơn anh Dũng đã đề nghị Vy viết một vài giòng kỷ niệm về anh Nguyễn Văn Đông.

Vy không phải là văn sĩ nên cái chữ vài “vài giòng” của anh đã làm Vy khựng lại ngay lúc bắt đầu viết. Khi Vy cố gắng mô tả những cá tính đặc biệt của người anh mà Vy vô cùng kính trọng thì không phải là vài chữ mà cần một paragraph.

Đây là paragraph đầu: Anh Đông ít nói, khi nói thì nhỏ nhẹ hiền lành, cẩn thận. Sự nghiêm trang của anh làm người nghe phải chăm chú.

Anh Đông không hề làm bề ngoài, khi lo cho ai thì lo tròn, vô cùng chu đáo và hết lòng làm cho người nhận yên tâm nghe lời vì biết anh đã chọn cái tốt đẹp nhất cho họ.

Anh rất rộng rãi và cũng rất là đàn anh … chưa hề thấy anh đùa bao giờ.

Và còn nhiều đức tính tốt khác nữa mà Vy chưa nhớ ra.

Năm anh được cho ra khỏi tù để về nhà chờ chết vì đã quá yếu, anh kể là khi anh thất thểu đi ngang các quầy hàng trên đường để về nhà, những người bán hàng đã khoát tay xua anh đi nhanh ra khỏi địa phận buôn bán của họ. Vy nói với anh là họ đâu biết anh là Ông Nguyễn Văn Đông.

Có lần anh lại hỏi Vy là người ta có còn nhớ đến anh không. Trời đất ơi, thiên hạ làm sao mà quên được một vị nhạc sĩ vĩ đại và tài hoa, nhất là của riêng Miền Nam. Vì cái vĩ đại riêng tư này mà anh bị đì cho tới chết cho nên thiên hạ không những tỏ lòng khâm phục cái tài hoa và tư cách của anh mà còn biết ơn nữa.

Ước chi anh linh thiêng để nhìn thấy hằng ngàn người (hay triệu, nếu họ có cơ hội dự kiến) tự động đưa tay lên trán chào kiểu lính để từ giả anh trên đường phố khi linh cửu của anh đi ngang. Khi không một quy luật nào bắt buộc hay chỉ vẻ mà họ đã tự động đồng loạt làm giống nhau, đã bày tỏ được sự cung kính chân thành và tuyệt đối hướng về anh. Hành động này xưa nay chưa hề xãy ra cho một danh nhân hay một người quyền uy nào. Còn gì qúy và chân thật hơn thế nữa.

Chuyện Mậu Thân: Năm 1968, chị Liên Như dẫn chồng mới cưới là anh Tạ Văn Tài về Huế ăn tết để thăm gia đình vợ, Vy cũng có về theo. Tối Giao Thừa nói chuyện đến khuya nên 2 người làm biếng trở lại ngủ ở Cư Xá Giáo Sư Đại Học gần đó mà ở lại nhà vợ (sau đó mới biết các giáo sư ĐH ở đó bị dẫn đi và đã bị giết sạch, bài viết Nhớ Về Tất Niên Y Khoa Huế tết Mậu Thân của Vĩnh Chánh có nhắc đến chuyện đó.)

Cở gần 1 giờ khuya mồng một tết, tiếng súng bắt đầu nổ lớn. Thiên hạ chạy lung tung. Có một nhóm người ở ga lớn bung hàng rào chạy qua nhà Vy để ra đường lớn nhưng tiếng súng quá mạnh nên họ không thể chạy tiếp mà phải tạm ẩn ở nhà Vy. Ba mẹ chia cho họ một gầm giườn để tạm trú. Gia đình và bà con của họ có cở 10 người, gia đình Vy cũng vậy nên tổng cộng cỡ 20 người. Vì nhà ở cạnh đồn lính khá lớn nên tuy nhà có bị bắn nát vài chổ nhưng tạm yên, không phải tản cư. Ở cùng nhau như thế đúng 1 tháng mà mọi người vẫn được ăn no đủ và ngon nhờ 2 thùng giấy lớn toàn đồ ăn khô như vịt khô, nai khô , lạp xưỡng…. của anh Đông gửi ra Huế mừng Tết. Sau khi ngừng bắn, Vĩnh Chánh (tác giả bài nói trên) có lên nhà xem tụi Vy chết chưa thì đồ ăn vẫn chưa hết, vẫn có đùi vịt được nướng lên cho Chánh ăn. Đói lâu ngày, Chánh ăn ngon lành.

Năm 2000 tụi Vy về VN để làm lễ cúng năm đầu tiên của mẹ, anh Đông đã dẫn tụi Vy, một đoàn 8 người đi thăm miền Nam, đi hầu hết các nơi cần xem và anh giải thích cặn kẽ lịch sữ của từng nơi to và nhỏ nên Vy biết thêm được khá nhiều. Trước đó Vy không hề biết được nước mình có cái hang Thạch Sanh (ảnh đính kèm) mà chỉ có đọc câu chuyện Thạch Sanh Và Lý Thông mà tưởng đó là tiểu thuyết và cũng không hề biết ở ngoài khơi Hà Tiên có cái hang , nơi mà vua Gia Long ẩn trốn ngày xưa.

Năm 2015, anh đau nặng lắm rồi, Vy về VN một mình nên đến ở căn phòng mà anh đã nhắc nhở nhiều lần là anh đã cho sửa sang lại từ hơn 10 năm trước cho các em có chổ ở khi về VN. Lần đó anh không đủ khoẻ để ra nói chuyện và chị quá bận với cửa hàng, thế nhưng anh chị chu đáo đến độ buổi sáng mở mắt ra là mọi sự mình cần đã có sẵn. Chị tử tế, giỏi và tốt lắm nên Vy rất yên tâm về đời sống còn lại của anh.

Sở dĩ Vy kể những chuyện nho nhỏ này ra là để cho anh hiểu về những chữ Vy mô tả về anh Đông nói trên không phải là bênh vực hay tưởng tượng. Đó là con người thực của anh.

Thúy Vy

Categories: Linh Tinh | Leave a comment

Kỷ Niệm với Nguyễn Văn Đông kỳ 3-Nỗi lòng người ở lại-Tiền bản q uyền ngày xưa-NVD, một người hào hoa lịch lãm- March 7, 2018

Hoàng Lan Chi

Kỷ Niệm Với Nguyễn Văn Đông –Kỳ 3

-Nỗi Lòng Người Ở Lại

-Tiền bản quyền của các nhạc sĩ trước 75

-Nguyễn Văn Đông: Một Người Hào Hoa, Lịch Lãm

NỖI LÒNG NGƯỜI Ở LẠI

Những người không có chức tước địa vị cao trước 75 thì sau khi ra tù vc, cuộc sống sẽ đỡ hơn. Nguyễn Văn Đông là cựu Đại Tá VNCH lại có “thế lực” trong lãnh vực ca nhạc thì đương nhiên cuộc sống của nhạc sĩ gặp nhiều khó khăn hơn. Sau này, dù nhà cầm quyền vc đã bóng gió nhiều lần nhưng Nguyễn Văn Đông luôn tránh né, viện cớ sức khỏe để không phải xuất hiện ở những lễ lạt. Họ yêu cầu ông cũng chỉ với mục đích đánh bóng cho chế độ theo kiểu “người cũ không hề bị phân biệt đối xử”!

Vào 2011, tôi đề nghị phỏng vấn Nguyễn Văn Đông lần nữa cho mục Trò Chuyện với Lan Chi, nhạc sĩ trả lời:

From: Nguyễn Văn Đông

To: HoangLanChi <lanchi7@yahoocom>
Sent: Sunday, January 9, 2011 9:19 PM
Subject: Re: Fw: bai của em nè

Cô mến,

Nhận được bài “Trò chuyện” với HLC, tôi thấy phải giải bày thêm để cô thấu rỏ hoàn cảnh của tôi hơn. Đề tài cô đặt ra quá rộng, mà tôi thì không còn tài liệu để xác minh sự việc và thấy nó bất ổn đối với người chế độ củ ở lại trong nước. Sau khi ra tù, dù khó khăn trăm bề nhưng tôi quyết không tham gia công việc nhà nước. Đến nay cuộc sống tạm ổn nhưng tâm vẫn bất an vì thiếu điểm tựa khi hữu sự. Các vấn đề “Binh nghiệp” và “Tình nghiệp” đặt ra lúc này, không thích hợp với hoàn cảnh của tôi dù cô có khéo léo rào chắn. Nhắc lại chuyện xưa càng gây cho dư luận trong nước đàm tiếu, bất lợi cho cuộc sống gia đình và chuyện mưu sinh. Năm 2009, Du Tử Lê về Sàigòn gập tôi.Tôi không đồng ý trả lời phỏng vấn, nhưng nể tình nhau, tôi cung cấp tài liệu nhưng với điều kiện DTL phải nhận là mình sưu tầm tài liệu, không do tôi cung cấp. Sau đó bài viết phổ biến tràn lan trong nước, tôi được quan tâm “thăm hỏi” nhiều, khiến vợ tôi lo lắng bất an. Ngưng trích.

Sau này Nguyễn Văn Đông nhắc lại:

From: Nguyễn Văn Đông

Sent: Monday, January 6, 2014 2:56 PM
Subject: Re: goi lan Chi

Em à, Ý của em muốn sao anh theo vậy. Chị Thu có cách chối từ không chuyển phone cho anh là xong chuyện. Đã 28 năm qua, từ ngày anh đi cãi tạo về, chị Thu rất ngại anh tiếp xúc giới truyền thông trong và ngoài nước, lo xảy ra chuyện vạ miệng gây phiền phức khi bầu không khí chánh trị trong nước không êm ả. Bài phỏng vấn thu âm của em cùng với việc Du Tử Lê về nước viết bài về anh là 2 trường hợp cá biệt hy hữu. Anh Đông.

Qua mails trên hẳn chúng ta đã thấy nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông phải sống như thế nào trong cái nhà tù lớn. Giữ gìn, khép nép, giả vờ này nọ là những gì mà người nhạc sĩ phải tiếp tục gánh chịu sau hơn 10 năm trong lao tù cho đến khi nhắm mắt xuôi tay.

NHẠC SĨ NỔI TIẾNG THỜI XƯA CÓ TIỀN BẢN QUYỀN RA SAO

Năm 2014 khi nhà báo Phạm Kim nhờ tôi làm trung gian để xin phép Ns Nguyễn Văn Đông cho ô Kim thực hiện Mấy Dặm Sơn Khê thì tôi có cho link đến báo NV Tây Bắc để anh Đông coi giò coi cẳng. Khi lang thang, Nguyễn Văn Đông đã đọc được bài viết về Anh Bằng của Phạm Kim. Lúc ấy, tôi có cho nhận xét về version 1 của Phạm Kim. Có lẽ để quân bình, không làm Kim nản lòng, Nguyễn Văn Đông đã viết một mail với tựa “Kể Chuyện Tất Niên”. Khi nhận mail chung với Phạm Kim, tôi rất ngạc nhiên. Ngạc nhiên vì không giống Nguyễn Văn Đông mà tôi từng biết. Có lẽ Nguyễn Văn Đông đang ở trong tâm trạng vui điều gì đó, lại thấy hải ngoại đề nghị thực hiện vài nhạc phẩm trên Amazon (tôi biết Nguyễn Văn Đông không chú ý tiền bạc vì cửa hàng chị Thu lúc này rất khá) nên đã hứng khởi như mail dưới đây:

From: Nguyễn Văn Đông
Sent: Tuesday, January 28, 2014 8:47 AM
To: Nguoiviet
Cc: Lan Chi

Subject: Kể chuyện tất niên

Chào anh Phạm Kim,

Sau khi gởi cho anh các tài liệu về bản Mấy Dặm Sơn Khê, tôi có vào xem trang Người Việt Tây Bắc do anh chủ trương, do cô Hoàng Lan Chi gởi cho đường link. Tôi đặc biệt thích thú các bài vở đặc sắc viết về nghệ sĩ ỡ trang Văn học Nghệ Thuật. Bài anh Phạm Kim viết về nhạc sĩ Anh Bằng và nhóm Lê Minh Bằng hấp dẩn tôi từ đầu đến cuối. Tôi cho đây là bài viết hay nhất về cuộc đời sự nghiệp của nhạc sĩ Anh Bằng qua ngòi bút tinh tế tài hoa của anh. Là nhạc sĩ, tôi cũng có ước mơ ngày nào đó, anh có hứng chấp bút viết một bài về tôi, về Mấy Dặm Sơn Khê chẳng hạn. Đọc bài về Anh Bằng, tôi quan tâm đoạn anh tả về đời sống phong lưu của anh Bằng, giàu có bằng tài năng và chuyên cần do tự mình tạo ra. Tôi cho rằng bài viết rất chính xác. Trích đoạn anh Phạm Kim viết: “Từ thập niên 1965-1975, với những ca khúc top hit như: Nếu Vắng Anh, Giấc Ngủ Cô Đơn, và khi sang đến hàng loạt sáng tác như Chuyện Tình Lan Và Điệp 1, 2, 3.. . ra đời cùng với các nhạc phẩm khác của Sóng Nhạc, lúc ấy Anh Bằng đã là người nhạc sĩ sống rất phong lưu, bằng tài và chuyên cần, tự mình tạo ra; đi lại bằng xe Toyota tư nhân mới, tiền bạc vô nhiều không kể, không nhạc sĩ sáng tác hoặc nhà văn có tác phẩm nào có thể giầu bằng”. (Hết trích). .

Tôi là người trong cuộc, sống cùng thời, xác nhận thực tế đúng trăm phần trăm. Đó cũng là điển hình chung về đời sống vô cùng phong phú của lớp nghệ sĩ tài ba ở Miền Nam dưới chế độ Cộng Hoà. Thời gian này, Anh Bằng và nhóm Lê Minh Bằng có hợp tác với hãng đĩa Continental và Sơn Ca của tôi. Những hợp đồng của nhóm Lê Minh Bằng ký với hãng đĩa của tôi có giá trị hằng mấy trăm lượng vàng và nhiều hợp đồng như vậy trong suốt thời gian dài ở thập niên 1965-1975 như anh Phạm Kim có nêu ra ở trích đoạn trên. Qua những biến thiên, vật đổi sao dời, tôi vẫn còn giử được vài hợp đồng kỷ niệm về nhóm Lê Minh Bằng và những nhạc phẩm của nhóm trên list nhạc của hãng đĩa tôi. Bằng tài năng và công sức đóng góp, Anh Bằng và nhóm Lê Minh Bằng được hãng đĩa đền công tương xứng và có cuộc sống sung túc giàu sang là điều dể hiểu. Tôi hảnh diện có thời gian sát cánh cùng với các bạn này và làm nên điều kỳ diệu mang lại đời sống vật chất sung túc. Tôi chỉ tiếc, đúng ra là tủi thân, vì trong suốt bài viết về cuộc đời sự nghiệp Anh Bằng cùng nhóm Lê Minh Bằng, không có chút kỷ niệm nào dành cho thời gian cộng tác với hãng Continental và Sơn Ca của tôi, trong khi đồng nghiệp Sóng Nhạc thì lại được nhằc nhở trân trọng bằng những lời có cánh. Anh Phạm Kim có thấy tôi đòi hỏi quá đáng không, tôi vòi vĩnh anh đấy, để sau này anh viết bù lổ cho hãng đĩa tôi thôi. Tôi vừa kể chuyện văn nghệ tất niên cho anh vui. Tôi cũng vừa cung cấp tài liệu MDSK cho anh rồi. Tôi yên tâm ăn tết. Bạn Suối Máu của anh. NGUYỄN VĂN ĐÔNG – Saigòn.

Điều hứng khởi là ông đã có hành động mà sau này Nguyễn Văn Đông nói với tôi là “một sự vòi vĩnh”! Nhưng tôi đoán rằng, có lẽ anh Đông “phóng khoáng” một tí cũng không sao và chẳng qua Nguyễn Văn Đông đã không giữ kẽ mà “đùa vui” vì nhận mail giới thiệu riêng từ Hoàng Lan Chi.

Tuy vậy, chi tiết đắt giá của mail Nguyễn Văn Đông là chuyện nhạc sĩ Anh Bằng ký hợp đồng cả mấy trăm lượng vàng với hãng dĩa Continental và Sơn Ca. Nguyễn Văn Đông hãnh diện vì sát cánh bạn bè và đem lại cho bạn mình đời sống vật chất sung túc.

Ông Phạm Kim “vớ” được lá mail của Nguyễn Văn Đông thì vui hơn tết. Ổng xin phép Nguyễn Văn Đông rồi đăng báo.

Sau này, Nguyễn Văn Đông kể lại với tôi là gia đình Anh Bằng có liên lạc và cảm ơn.

NGUYỄN VĂN ĐÔNG -CON NGƯỜI HÀO HOA, LỊCH LÃM

Nguyễn Văn Đông là con nhà gia giáo, tử tế, từng du học Pháp nên có phong thái của những người đàn ông thời xưa: hào hoa phong nhã, lịch lãm.

Tính anh rất rộng rãi. Gia đình Hà Thanh kể rằng, khi họ về chơi thì anh luôn đưa họ đến toàn những nơi đặc biệt để thưởng thức đặc sản.

Về phần tôi thì Nguyễn Văn Đông cũng hào hoa, lịch lãm như thế. Tôi yêu tính nết này của anh vì thời buổi bây giờ đàn ông nhiều khi rất (trùm sò, hà tiện, coi đồng tiền quá to nên đã làm nhân cách của họ bị bẩn mà họ không biết). Cũng xin nói thêm một chút: với cá nhân tôi thì nhà văn quân đội Phan Nhật Nam cũng còn giữ được phong cách của người VNCH xưa: hào hoa, lịch thiệp, không “ki bo”, không “bủn xỉn”, không “bần tiện”.

Nguyễn Văn Đông đã nhờ cô em quen của tôi (cô này là chị dâu họ của BS Hồ Hải, một facebooker bị vc bắt 2017) đem quà cho tôi lần đầu gồm thiệp Đằng Giao ( tôi thích), bánh đậu xanh Bảo Hiên (tôi cũng thích) vài loại khô ( HLC không biết ăn!). Khi biết tôi không biết ăn khô cá, Nguyễn Văn Đông đã chọc quê tôi như sau vào 2011:

From: Nguyễn Văn Đông
Sent: Monday, April 25, 2011 9:42 PM
Subject: Re: da nhan

Cô Lan Chi mến, Cô vui là vợ chồng tôi mừng rồi.Trong tương lai, cô thích quà gì trong nước thì mạnh dạn cho tôi địa chỉ. Việc gửi quà quá dễ dàng bằng đường Bưu điện theo trình tự thủ tục sau đây. Dành một ngày cho Trung tâm y tế kiểm dịch Tp/HCM kiểm tra và cấp giấy phép Kiểm dịch xuất khẩu. Sau đó cho đóng thùng hàng hoá kèm theo Giấy phép Kiểm dịch Y tế, rồi đem gửi tại Nha Bưu ĐiệnTP/HCM chuyển phát đi nhanh. Từ khi tôi nhận được tin cô cho đến lúc cô nhận được quà chỉ vỏn vẹn 20 ngày qua đường chuyển giao của Nha bưu điện. Làm như vậy không phải mang ơn ai, vì luôn đụng phải câu”Xin gửi in ít nha, nhiều người gửi lắm”. Rất tiếc cho cô, bạn bè tôi ở Mỹ rất mê khô cá sặc, cá tra. Cô thử đãi cho họ ăn rồi sẽ biết giá trị nó như thế nào. Hú hồn. Tôi vừa thoát nạn khỏi một cuộc giao lưu có báo đài nhân dịp tháng Tư Chiến thắng giải phóng miền Nam vì bị bệnh viêm lỗ tai quá nặng, điếc không trao đổi gì được. Chúc cô vui khoẻ an khang. Anh Đông

Lần thứ nhì, ông gửi hẳn “mộtmùa Xuân Sài Gòn” cho tôi. Gửi kiểu này: phải chờ vài ngày chọ họ kiểm dịch rồi mới gửi nhưng cả anh Đông và chị Thu đều thích hơn là nhờ ai đó vì rất “khó chịu”.

Xem này, từ VN, 2015, mà Nguyễn Văn Đông gửi thùng quà 6 ký và không thiếu gì của Tết cho Hoàng Lan Chi. Khi nhận: tôi xem giấy thì cước phí là 1,8 triệu.

From: Nguyễn Văn Đông
Date: 2015-02-09 23:57 GMT+10:00
Subject: Qua tet At Mui
Hi em,

Lúc 9 giờ sáng nay thứ Hai 09/2/2015, anh đã gởi quà tết cho em qua Nha Bưu Điện Thành Phố , bằng đường hàng không Express đặc biệt. Thùng quà gồm có:

  1. Bánh hạt sen của Rồng vàng Bảo Hiên ……………. 5 bánh
  2. Bánh in của Rồng vàng Bảo Hiên …………………..5 bánh
  3. Bánh phồng tôm đặc biệt hảo hạng …………………2 gói
  4. Ô mai chanh gừng tốt cho súc khỏe ăn tết …………. 1 bịch
  5. Trà ô lông đệ nhất hạng Việt Nam ……………………..2 bịch
  6. Cà phê đệ nhất Trung Nguyên ………,.,…………….1 bịch
  7. Thiệp tết của Đằng Giao …………………………………. 2 hộp
  8. Thiệp chúc tết của ông già ngoài 90 tuổi……………..1 thiệp

Thùng quà cân nặng 6 ki lô. Địa chỉ đặc biệt ghi rỏ về con số # 55. Theo Bưu Điện cho biết thì thùng quà sẽ đến tay người nhận vào ngày thứ Bảy 21/2/2015 tức vào ngày mùng 3 Tết Ất Mùi. Sở dỉ có việc chậm trể ngày gởi quà là vì chờ người cung cấp bánh phồng tôm loại đặc biệt, đã không tuân thủ cam kết giao hàng đúng ngày. Đính kèm 3 files về thùng quà. Mong em vừa ý. Anh.

Nguyễn Văn Đông có kiểu chữ viết rất đặc biệt. Vừa nghệ sĩ, fantasie, vừa cương quyết mạnh mẽ:

Tôi cũng nhớ khi anh xin địa chỉ gửi quà, tôi không cho thì anh viết vui như sau.

From: Nguyễn Văn Đông

Sent: Saturday, January 4, 2014 11:34 PM
Subject: yêu cầu xác nhận địa chỉ

Chào chị, Tui có chuyện mích lòng với chị nếu chị không đáp ứng yêu cầu của tui. Tui đã mua quà tết rồi, chị vui lòng xác nhận lại địa chỉ dưới đây.Tui bảo đảm với chị quà vật có giấy chứng nhận vệ sinh. Toàn đồ Bắc kỳ. Chị hồi âm gấp gáp cho tui. Tui cần có sự bình quyền nam nữ, không ai chơi gác ai. Chào chị. Tui Saigòn.

Qua cái câu “không ai chơi gác ai”, dù là giỡn thì tôi cũng hiểu Nguyễn Văn Đông là người rất tự trọng. Anh không bao giờ muốn “nhận không” của ai. Xin coi ông kể về tiền của thính giả Asia gửi ông:

From: Nguyễn Văn Đông
Sent: Saturday, January 4, 2014 1:48 AM
Subject: Re: em đây

Em à,

Việc Khôi An gởi biếu 200$, anh có ý kiến sau đây:

Cách đây vài năm, Trịnh Hội và Nam Lộc của Trung Tâm Asia báo cho anh biết có nhận một số tiền của khán thính giả gởi biếu nhạc sĩ NVĐ. Anh trả lời hai bạn này, xin dành số tiền trên cho các nhạc sĩ có hoàn cảnh khó khăn. Sau đó có phản hồi cho biết những người biếu tiền phiền trách anh xử sự thiếu tế nhị đối với những người yêu mến mình. Vì vậy, với trường hợp Khôi An lần này, anh nghĩ cách làm khác, muốn tạ ơn gây ấn tượng nhớ đời vào lòng cô em họ của em. Anh xin 200 đồng của Khôi An gởi uỷ lạo cho Ban Tù Ca Xuân Điềm, để nhờ họ dàn dựng một tác phẩm mới nhất của anh, một mặt phục vụ cho lợi ích quốc gia, mặt khác làm món quà kỷ niệm nhớ đời gởi cám ơn Khôi An. Việc làm này hoàn toàn không vụ lợi, không thương mại, tác phẩm phổ biến vô tư đến toàn thể đồng bào. Anh không biếu tiền, họ cũng làm. Còn về việc em gởi 200 làm từ thiện, anh thấy chưa phải lúc. Em đang đi học, tiền bạc chưa rời rộng. Khi nào em đi làm có lương, anh rất hoan nghinh. Ở trong nước, anh và chị Thu thường tổ chức đưa các đại gia Việt kiều về nước làm từ thiện. Anh sẽ gởi cho em xem các hình ảnh về các chuyến đi từ thiện, cứu trợ ở các trung tâm nuôi dưỡng người già, hay trẻ mồ côi, khuyết tật. Nếu trường hợp em vẫn giử nguyên ý nguyện, anh sẽ góp phần 200 đồng cùng với em giúp Nhà thờ, cho cha và các cụ già neo đơn như lòng em mong muốn. Còn việc cầu siêu cho chị Hà Thanh, anh sẽ tổ chức tại một cảnh chùa gần nhà anh mà vị hoà thượng rất thân với anh. Nếu em đồng ý với anh về việc Khôi An, anh sẽ gởi cho em xem trước toàn bộ chương trình, trước khi chuyển cho Ban Tù Ca Xuân Điềm thực hiện. Anh Đông.

Còn cái vụ Nguyễn Văn Đông ký tên “Tui Sài Gòn” là vầy: anh báo tin sẽ gửi một USB đặc biệt, cả nước Mỹ chỉ một mình tôi có. Tôi “Xì” và nói cũng tùy người, tùy hoàn cảnh chứ không phải ai cũng thích nghe nhạc cũ. Nguyễn Văn Đông lẫy (!) và mail kế anh xưng “tui Sài Gòn”. Hoàng Lan Chi cũng ..thấy ghét nên cũng viết trả lời y chang cái giọng Nguyễn Văn Đông rồi ký “Cô Tư CA”!!

On Saturday, January 18, 2014 10:41 AM, LanChi wrote:

Anh Ba Sài Gòn, Tui thấy anh đúng là dìa già sanh tật, tật cãi bướng thấy mà ghét. Anh nói zụ Lưu Bị hồi xửa hồi xưa rồi đến đạo Hồi ngày nay mà tui thấy chớt quớt. Lý zo là zì tui là con gái Gia Long nề nếp đoan trang đức hạnh (hic!), lại đang sống ở xứ Huê Kỳ tự do mần răng mà tui theo đạo Hồi đạo hèo được. Chèn ơi, anh Ba tỉnh mộng chút cái coi. Bây giờ nhiều ngừ họ hỏng có nghe nhạc cũ nữa. Họ nói nghe mấy chục năm họ ớn quá rùi. Họ khoái nghe nhạc mới cà. Tui đây cũng hơi hơi zậy đó anh Ba à. Tui nghe nhạc cũ cỡ ‘Yêu ai yêu cả một đời", chắc tui nghe không được 3 câu. Hay “Xuyên lá cành trăng lên lều zải”, chắc nghe được 2 câu. Mích lòng rồi làm gì tui. Xí. Cô Tư CA.

Brisbane mưa bụi mấy hôm nay. Ngồi xem mail cũ và viết lại Kỷ niệm với Nguyễn Văn Đông kỳ 3, lòng tôi bùi ngùi. Hôm qua, tôi mới gọi về chị Thu. Chị kể sẽ rải tro anh ra biển như ngày trước chị đã làm cho ba anh. Tôi cũng kể cho Thu nghe là có vài người đã viết không đúng sau khi anh Đông mất. Chị Thu nói rằng, chị không biết Tuấn Khanh là ai và chị không kể chuyện gia đình với ai. Chị mong rằng mọi người nếu có viết thì chỉ nên viết về âm nhạc của anh và đừng viết gì đến lý lịch hay con đường binh nghiệp của anh.

Kỳ sau, tôi xin trở lại việc Thúy Nga mời Nguyễn Văn Đông qua Mỹ. Lý do: Phan Nhật Nam đã viết bài và lấy chi tiết từ bài của Chu Tất Tiến vì Nam không biết là CTT đã tưởng tượng rất nhiều. Tôi sẽ công bố những mails của Nguyễn Văn Đông về vụ Thúy Nga mời sang Mỹ, có cả mails về cá nhân CTT. Ngoài ra có một vị nào đó tôi không nhớ lại viết Nguyễn Văn Đông không đi Mỹ vì chỉ được phép đi 15 ngày. Xin thưa, vc không cấm. Mỹ thì cấp visa thường là một năm.

Hoàng Lan Chi

3/2018

Còn tiếp

§ Kỷ Niệm với Nguyễn Văn Đông kỳ 2- Ns Trường Sa, Hãng dĩa VN và Sóng Thần, Thúy Nga mờ i NVĐ vào 2006- March 5, 2018

§ Kỷ Niệm với Nguyễn Văn Đông- Kỳ 1- Mấy Dặm Sơn Khê- March 4, 201 8

Categories: Linh Tinh | Leave a comment

Nguyễn Quốc Đống- Tưởng Niệm Nguyễn Văn Đông -March 5, 2018

Tưởng Niệm Cố Đại Tá- Nhạc Sĩ Nguyễn Văn Đông (1932-2018)

Nguyễn Quốc Đống, cựu SVSQ K. 13/TVBQGVN

5-3-2018

Cựu Đại Tá- Nhạc Sĩ Nguyễn Văn Đông vừa qua đời tại Sài Gòn, Việt Nam, ngày 26-2-2018, hưởng thọ 86 tuổi. Ông là một sĩ quan cao cấp của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, cũng là một nhạc sĩ tài hoa của Việt Nam, ra đời tại Sài Gòn ngày 15-3-1932, nguyên quán ở Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh, miền Đông Nam phần. Tên tuổi của ông được gắn liền với những bản tình ca thời chinh chiến tiêu biểu như “ Chiều Mưa Biên Giới”, “ Mấy Dặm Sơn Khê”, “ Phiên Gác Đêm Xuân” , “ Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp”… , khi miền Nam VN tràn ngập khói lửa trong cuộc chiến chống Bắc quân cộng sản xâm lược (1955-1975).

Nhạc của ông mang tính đại chúng, lời ca chân tình, giản dị, mang nét đẹp của tâm tình người thanh niên mới vào đời còn nhiều mộng mơ, nhưng vẫn không thiếu nét hào hùng của người trai thời loạn. Vì thế, những lời nhạc này đã tự nhiên đi vào lòng người nghe, được nhiều người yêu thích. Họ yêu dòng nhạc của ông vì âm điệu, và lời ca chan chứa tình yêu: tình yêu gia đinh, tình yêu lứa đôi, và trên hết là tình yêu quê hương. Trước 1975 , chẳng mấy ai không biết đến, và không một lần hát các bài nhạc lính của ông. Có thể có người không biết tên tác giả của những lời ca như:

Chiều mưa biên giới anh đi về đâu?

Sao còn đứng ngóng nơi giang đầu

…..

Hoa phượng rơi đón mùa thu tới

Màu hoa thắm thiết quá thu ơi

Đón giao thừa một phiên gác đêm

Chờ xuân đến súng xa vang rền…

Nhưng họ vẫn nhớ đôi lời, và vẫn hát, vì bài hát diễn tả cảm xúc dào dạt của chính họ, nói lên nỗi lòng của họ thật tự nhiên… dù có khi hát trật nhịp, hay sai lời. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi chúng ta đọc được những lời “ tri ân” của các tác giả viết về ông , nhiều năm trước khi ông qua đời. Sau ngày ông mất, chúng ta thấy được người dân miền Nam, cả trong nước lẫn tại hải ngoại, vẫn dành cho ông tình cảm chan hoà, thắm thiết như ngày xưa, nhiều cựu quân nhân VNCH đối với ông vẫn một lòng yêu kính, đứng nghiêm trên đường phố Sài Gòn ngày 2-3-2018, chào tiễn ông ra đi.

Đại tá Nguyễn Văn Đông bắt đầu binh nghiệp rất sớm. Ông được gia đình gửi vào trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu năm ông mới 14 tuổi, và ông ra trường TSQ /VT năm ông 19 tuổi (1951). Sau đó ông gia nhập Quân đội quốc gia Việt Nam, theo học khóa 4 trường Võ Bị Vũng Tàu, tốt nghiệp thủ khoa năm 1952, mang cấp bậc thiếu úy. Sau ngày đất nước bị chia đôi bởi hiệp định Geneve (20-7-1954), ông phục vụ trong Quân đội Việt Nam Cộng Hòa, cho đến ngày 30-4-1975, khi miền Nam VN rơi vào tay cộng sản, cấp bậc cuối cùng của ông là đại tá, phục vụ tại Bộ Tổng Tham Mưu.

Nguyễn Văn Đông là người lính tác chiến, nhưng ông “ tay súng, tay đàn”, và sự nghiệp của ông trong lãnh vực âm nhạc được nhiều người thán phục, dù chỉ trong thời gian ngắn ngủi 20 năm dưới chế độ Việt Nam Cộng Hoà. Ông viết được gần 100 bài hát thuộc nhiều thể loại: nhạc quê hương, nhạc tình, nhạc giáng sinh, nổi bật nhất là nhạc lính. Trong thời gian theo học tại trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu, ông được học nhạc với một nhạc trưởng tài ba người Pháp nên có kiến thức vững vàng về nhạc lý, biết sử dụng nhiều nhạc cụ. Ông trở thành nhạc sĩ trong Ban Nhạc của trường TSQ , gồm toàn các nhạc sĩ thiếu niên. Tài năng thiên phú của ông về âm nhạc đã phát triển mạnh trong môi trường sôi động tại trường TSQ, kết quả ông đã sáng tác được những nhạc phẩm có giá trị được nhà trường công nhận như Thiếu Sinh Quân Hành Khúc, Tạm Biệt Mùa Hè, khi tuổi đời còn rất trẻ (16 tuổi).

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông còn thể hiện tài năng trong nhiều lãnh vực khác của âm nhạc. Ông có tài khám phá ra các tài năng trẻ, giúp họ có cơ hội phát triển nghề nghiệp, và sớm thành danh như các ca sĩ Giao Linh, Thanh Tuyền, Hà Thanh… Sau này, ca sĩ Hà Thanh trở thành người hát nhạc của ông thành công nhất; tên tuổi của người nhạc sĩ sáng tác Nguyễn Văn Đông của miền Nam đã gắn liền với người ca sĩ mang tên Hà Thanh của đất Thần Kinh ( Huế) . Đúng là một kết hợp nghệ thuật kỳ thú. Năm xưa, khi Hà Thanh mới vào Sài Gòn trình diễn, nếu cô không được nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông chú ý đến giọng ca thiên phú, và bỏ công khuyến khích cô tiếp tục việc ca hát tại thủ đô Sài Gòn, hẳn cô đã không có cơ hội phát triển tài năng, để trở thành một trong những danh ca được nhiều người mến mộ sau này.

Vào thập niên 60, quốc gia non trẻ Việt Nam Cộng Hòa mới được thành lập, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Chính phủ VNCH đã sớm biết sử dụng âm nhạc như một vũ khí “ an dân” , dùng các hình thức nghệ thuật như ca , vũ, nhạc, kịch để đem niềm vui đến cho người dân, giúp họ từng bước ổn định đời sống, nhất là người dân miền Bắc phải rời bỏ quê nhà chạy nạn cộng sản ở miền Nam xa lạ. Đoàn nghệ thuật Vì Dân do nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông làm trưởng đoàn ra đời với mục đích này, gồm nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Lê Thương, Mạnh Phát, Minh Kỳ, Hoài Linh, Thu Hồ, Khánh Ngọc, Trần Văn Trạch, Kim Cương, Trang Thiên Kim…

Hãng dĩa Continental và Sơn Ca do ông làm giám đốc đã thực hiện các chương trình nhạc đặc biệt ( albums ca nhạc) riêng cho từng ca sĩ, giúp làm nên tên tuổi của nhiều ca sĩ VNCH vào thập niên 60 và 70 như Khánh Ly, Lệ Thu, Thái Thanh, Phương Dung, Giao Linh, Thanh Tuyền…

Chẳng những hoạt động trong lãnh vực tân nhạc, ông còn là cha đẻ của một thể loại nhạc mới, tân cổ giao duyên, được nhiều người ưa chuộng. Ông cũng là người soạn nhạc nền cho nhiều vở tuồng cải lương nổi tiếng, dưới tên Đông Phương Tử. Chính sách biết dùng người tài vào đúng lãnh vực của chính phủ VNCH đã giúp ông phát triển tài năng tối đa. Tài sáng tác nhạc của ông cống hiến cho đời nhiều nhạc phẩm giá tri, tài tổ chức và lãnh đạo của ông trong hoạt động ca nhạc đã giúp chính phủ cộng hòa thực hiện được những công trình ích quốc, lợi dân trong hoàn cảnh khó khăn của đất nước sau hiệp định Geneve, vừa giữ nước, vừa dựng nước.

Suốt 20 năm khói lửa tại miền Nam Việt Nam, biết bao nhiêu thanh niên phải “xếp bút nghiên theo nghiệp đao binh”. Chàng tuổi trẻ Nguyễn Văn Đông cũng không ngoại lệ. Ông tự nguyện chọn nghiệp lính, và dù thành công lớn trong lãnh vực âm nhạc, ông khẳng định “ âm nhạc chỉ là nghề tay trái, binh nghiệp mới là nghề tay phải” của ông. Lý do khiến ông thành người lính chuyên nghiệp chính là lòng yêu nước tha thiết. Ông yêu mảnh đất nơi ông sinh ra và trưởng thành, muốn bảo vệ nó, để người dân được sống an vui, hạnh phúc. Tình yêu quê hương lớn hơn tất cả mọi thứ tình cảm khác, ông trân trọng đặt nó lên hàng đầu, không suy nghĩ thiệt hơn, không vì danh, hay lợi cho cá nhân.

Đời tôi quân nhân, chút tình riêng gởi núi sông… (Sắc Hoa Màu Nhớ)

Người đi giúp núi sông…

Hàng hàng lớp lớp chưa về

Người người nối tiếp câu thề giành lấy quê hương…

Đời dâng cho núi sông

Lòng này thách với tang bồng

Đừng sầu má thắm phai hồng, buồn lắm em ơi…

Hỡi người anh thương, chưa trọn thề ước

Nhưng tình đất nước ôi lớn lao không đành lòng

Dệt mối thắm riêng tư…

Và xin em hiểu rằng, người đi giúp nước nào màng danh chi

Cầu cho đất nước vượt ngàn gian nguy… (Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp)

Anh như ngàn gió, ham ngược xuôi, theo đường mây,

Tóc tơi bời lộng gió bốn phương…

Nước non còn đó một tấc lòng,

Không mờ xóa cùng năm tháng

Mấy ai ra đi hẹn về…dệt nốt tơ duyên…(Mấy Dặm Sơn Khê)

Những hình ảnh đẹp và hùng của người chiến sĩ VNCH được mô tả giống như hình ảnh hào hùng của người tráng sĩ trong văn học Việt Nam ngày xưa, đã trở thành hành trang cho nhiều thanh niên miền Nam bước vào cuộc chiến; và rất nhiều người đã ra đi, không trở về… Đời lính gian lao, khổ nhọc, nhưng người lính chấp nhận hy sinh cho quê hương, cho dân tộc.

Những bản nhạc của Nguyễn Văn Đông còn nói lên nỗi đau của người dân Việt Nam trong hoàn cảnh đất nước chia cắt, và có thể tệ hơn nữa sẽ là ngày …mất nước như dân tộc Hời ngày xưa:

Ôi nước mắt dân Hời

Thành quách một thời tan tành

Hệ bởi đâu?

Sao ta nỡ xa ta

Xẻ đôi sơn hà

Cho Bắc-Nam mình xa cách nhau… (Anh)

Cộng sản miền Bắc thực hiện cuộc chiến xâm lược miền Nam trong suốt 20 năm (1955-1975) đã khiến cả nước suy kiệt, cả triệu quân dân hai miền mất mạng, tài nguyên đất nước bị phá hủy, dẫn đến tình trạng Việt Nam phải rơi vào vòng nô lệ Tàu cộng như ngày nay. Nhìn vào tình trạng « hèn với giặc, ác với dân » của Đảng CS cầm quyền bây giờ thì ngày dân tộc Việt Nam mất nước như dân tộc Hời ngày xưa có lẽ cũng không còn xa.

Tuy nhiên mộng ước « giành lấy quê hương » của người lính Nguyễn Văn Đông, cũng như của bao chàng trai đất Việt tại miền Nam VN đã không thành hiện thực. Ngày 30-4-1975, Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ, nước mất, nhà tan. Sau đó giặc cộng đã giáng những đòn trả thù tàn độc lên quân, dân miền Nam. Là một sĩ quan cao cấp của quân đội Việt Nam Cộng Hòa, lại không chọn di tản khi đất nước rơi vào tay giặc, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, cũng như bao quân, dân, cán chính của chế độ Việt Nam Cộng Hòa, bị Việt Cộng giam tù và đầy đọa nhiều năm trong các trại « tập trung cải tạo ».

Ông bị nhốt 10 năm, thời gian đầu tại trại tù Suối Máu, và những năm sau này, ông bị tách khỏi trại tù « cải tạo », bị đưa về giam tại khám Chí Hòa, nơi giam giữ các tù nhân chính trị đặc biệt. Thời gian dài trong tù, do chính sách đối xử nghiệt ngã với các tù nhân « nặng tội » (theo quan điểm của CS, làm nhạc tuyên truyền thúc đẩy quần chúng, lính tráng chống lại chúng là mang tội rất nặng), do thiếu ăn, thiếu thuốc trị bệnh, ông mắc nhiều bệnh trầm trọng, nên khi được thả về năm 1985, ông như một phế nhân, không đi đứng được. VC chẳng nhân đạo gì khi thả ông « sớm » như vậy, vì chúng nghĩ người nhà nhận ông về, chỉ để đem ông đi chôn mà thôi !

Tuy nhiên như một phép lạ, ông từ từ sống trở lại, có lẽ nhờ ý chí vượt lên mạnh mẽ, và nhất là nhờ tình yêu thương và sự chăm sóc tận tình của người vợ hiền. Bà chung thủy chờ đợi ông 10 năm, và ngày ông trở về, trong hạnh phúc đoàn viên còn có nỗi đau phải chiến đấu giành giựt mạng sống cho ông. Bài hát « Về Mái Nhà Xưa » ông viết nhiều năm về trước, đã như một lời tiên tri cho ngày về thê thảm của các tù nhân « cải tạo » :

Về đây ngơ ngác, chim bay tìm đàn

Về đây hoang vắng, lạnh buốt cung đàn…

Về đây mây nước đêm thâu lạnh lùng

Vườn dâu thưa lá ngại nỗi tương phùng…

Tuy được về với gia đình, nhưng ông đã quyết định không xin đi định cư tại Hoa Kỳ theo chương trình « Ra Đi Có Trật Tự » dành cho các cựu tù nhân « cải tạo » (còn được gọi là chương trình H.O.) .

Nhiều người thắc mắc tại sao ông không xin đi Mỹ tỵ nạn, để thoát khỏi cái nhà tù lớn, xã hội VN thời cộng sản, sau nhiều năm bị đầy đọa trong nhà tù nhỏ (các trại tù), nơi ông tưởng đã bỏ thây, và không có ngày về. Có người còn phán đoán đây là một quyết định sai lầm, khiến bản thân ông và gia đình phải chịu nhiều hệ lụy từ khi ra khỏi tù, cho đến ngày ông ra đi vĩnh viễn: mất tự do, mất cơ hội sáng tác, bị công an theo dõi, hoạnh họe… Ông không tìm được nguồn cảm hứng sáng tác, và không còn hoàn cảnh sáng tác thuận lợi như ngày xưa, trước 1975. Điều đó cũng dễ hiểu, vì đất nước đã đổi chủ, và ông như bao con dân của Việt Nam Cộng Hòa thuộc « bên thua cuộc » ! Ông đã phải thú nhận « Tôi chỉ tiếc đời người ngắn ngủi mà tôi đã phí phạm quãng thời gian dài 30 năm. Thật lấy làm tiếc ! »

Nhưng lý do nào khiến người nhạc sĩ tài hoa chọn sống thầm lặng, để tài năng bị « thui chột » cùng năm tháng, để nhiều tác phẩm lừng danh, những đứa con tinh thần mà ông coi là có giá trị nghệ thuật đã bị « vùi dập », bị « kỳ thị », và thậm chí cho đến ngày ông nhắm mắt, cũng chưa được phép phổ biến trên quê hương Việt Nam « thống nhất » ? Lý do gần là vấn đề sức khỏe suy sụp sau nhiều năm bị đầy đọa trong trại tù cộng sản. Ông mang rất nhiều bệnh trầm trọng, khiến ông và người vợ hiền luôn phải tranh đấu khó nhọc từng ngày, để giành lấy mạng sống. Một người đã không đủ sức khỏe, nghĩ mình không còn sống được bao lâu nữa, thì còn hứng thú gì để xây lại cuộc sống mới, nơi xứ lạ quê người ? Ông cũng không có con cái, không có áp lực phải ra đi vì tương lai của con, của cháu, nên đã chấp nhận sống phần đời còn lại tại quê nhà trong thầm lặng, nhẫn nhục, bên người vợ hiền; giúp đỡ những thương phế binh VNCH, chiến hữu ngày xưa của ông, trong phạm vi có thể. Đây là một quyết định khó khăn, không phải ai cũng thực hiện được. Lý do sâu xa có lẽ chính là lòng yêu quê hương : ông thực sự muốn sống và chết nơi quê hương, một miền đất thân yêu mà ông đã dành hết tuổi thanh xuân và cả cuộc đời mình để cống hiến và phục vụ. Ca sĩ Thanh Tuyền cho biết « Chú nói với tôi rằng chú không muốn bon chen, chỉ muốn sống tại quê nhà. Lẽ ra chú đã có thể đi Mỹ theo diện H.O. nhưng chú đã chọn chết trên quê hương. »

Đọc lại lời trong một số bản nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, chúng ta thấy được tâm tình của ông, và phần nào hiểu được quyết định ở lại Việt Nam, nơi chốn « hang hùm, miệng rắn » đối với một sĩ quan cao cấp, và một nhạc sĩ có nhiều đóng góp cho quốc gia Việt Nam Cộng Hòa như ông.

Đã từng có thời gian đi tu nghiệp ở nước ngoài, (Hawaii, Hoa Kỳ, năm 1957) ông đã trải qua kinh nghiệm của một người xa quê, và nhớ quê. Ông là người « lãng mạn », thậm chí tự nhận mình là người « yếu đuối », ông cảm nhận được nỗi buồn da diết của người xa quê hương. Trong bài ca « Tình Cố Hương », ông tâm sự :

Khi anh rời xa cố hương

Tâm hồn anh vấn vương

Theo từng cây số buồn…

Khi anh rời xa cố hương

Nghe lòng mang vết thương

Quê người xa cội nguồn…

Xa cố hương miền thương bao dấu yêu…

Trông cánh chim về phương chân núi xa

Nhớ quê nhà nằm mơ đôi cánh bay

Nơi muôn trùng xa nước non

Chân tình anh sắt son

Không ngại câu đá mòn

Thấy mai đào khoe sắc xuân

Cánh nhạn trong gió sương

Nghe lòng vang khúc ca hoài hương.

Một người nặng lòng yêu quê hương như thế thật khó mà chọn sống đời ly hương, biệt xứ suốt đời. Chúng ta cũng thông cảm với nhạc sĩ, và đừng quá hẹp hòi phán đoán ông theo nhận định chủ quan của mình. Mỗi người một hoàn cảnh, và chọn lựa được sống theo cách riêng của mình, miễn sao vẫn giữ được tư cách « gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn ». Điều này nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã thể hiện được suốt quãng thời gian ông sống tại quê nhà sau ngày mất nước. Người tài năng như ông có nhiều, nhưng người có nhân cách lớn như ông không nhiều, phải nói là hiếm hoi, nhất là trong thời đất nước điêu linh dưới chế độ « xã hội chủ nghĩa ».

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã xa rời chúng ta mãi mãi. Thân xác ông nay chỉ còn là nắm tro, nhưng không có nghĩa là tất cả đều mất hết. Ông để lại những bản nhạc bất hủ, chắc chắn sẽ còn sống mãi trong lòng người yêu nhạc. Ông truyền lại cho thế hệ mai sau tinh thần yêu nước nồng nàn, lòng hy sinh vô bờ bến của người trai thời loạn, ưu ái nhắc họ :

Anh nhớ gì không anh ?

Những trai hùng đi giúp non sông

Trên bốn ngàn năm qua

Dải sơn hà đôi phen thạch mã

Gỗ đá còn gian lao,

Tiếng anh hào muôn thưở hơn nhau

Giữa cao trào thế giới dâng mau

Tựa ngàn sóng tuôn bờ đại dương…

Anh nhớ gì không anh?

Những anh tài phiêu lãng phương xa

Vui sướng gì đâu anh

Chốn quê người vui riêng hạnh phúc….

Anh nhớ gì không anh?

Giữa thanh bình hay lúc gian nguy

Xin hết lòng chung lo

Bản dư đồ cha ông nhọc khó

Trên bước đường tương lai,

Kết tâm đồng một dải non sông

Bắc-Nam cùng dòng giống tinh anh

Trời Đông một cõi núi sông Việt Nam

Trời Nam một cõi minh châu trời Đông (Anh)

Mong sao nước Việt đời đời

Anh dũng oai hùng chen chân thế giới

Mặc thời gian tóc phai đổi màu

Mặc đại dương sóng to gió gào

Đàn chim bé trong làn chớp xanh

Yêu trời tự do Á đông

Thương về đồi núi xa xa. (Hải Ngoại Thương Ca)

Việt Nam hiện nay đang trong tình trạng dầu sôi lửa bỏng, phải đối phó với nạn diệt chủng, đang dần mất chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ vào tay ngoại bang là Tàu cộng, nên các thế hệ hậu duệ người Việt phải nhớ những lời dặn dò chân tình này, để “nghìn sau nối nghìn xưa”, tiếp tục bảo vệ và xây dựng quê hương Việt Nam, do tiền nhân Việt bao đời khó nhọc dựng nên.

Hôm nay chúng ta cùng thắp nén hương lòng tưởng nhớ ông, để tri ân một người Việt Nam yêu nước, một chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa biết coi trọng Tổ Quốc-Danh Dự-Trách Nhiệm. Gửi lời tri ân đến ông cũng chính là để tri ân chế độ Việt Nam Cộng Hòa, với nền giáo dục dân tộc, nhân bản, và khai phóng, đã đào tạo được những công dân yêu nước, những trí thức có nhân cách cao đẹp; điều khiến chúng ta luôn cảm thấy tự hào.

NGUYỄN QUỐC ĐỐNG

Categories: Linh Tinh | Leave a comment

Phan Nhật Nam -Tưởng nhớ Nguyễn Văn Đông – Mưa vẫn bay g iăng trên chiều quê hương -March 6, 2018

Phan Nhật Nam

Mưa vẫn bay giăng trên chiều quê hương..

Dẫn Nhập: Ngày 26 tháng 2, 2018 Nhạc Sĩ Nguyễn Văn Đông qua đời tại Sài Gòn, sáng thứ Sáu 2 Tháng 3, đám tang được gia đình tổ chức đơn giản như đời sống cuối đời lặng lẽ của ông từ 30 Tháng 4, 1975, sau khi đi tù về, 1985. Đám tang diễn ra với một hoạt cảnh cảm xúc.. Những Người Lính QLVNCH thành kính im lặng chào tay tiễn biệt người chỉ huy: Đại Tá Nguyễn Văn Đông- Danh tính Nghệ Sĩ Lớn của âm nhạc Miền Nam – Biểu tượng chung của Nghệ Thuật Dân Tộc đã bị giới cầm quyền cộng sản Hà Nội cố sức xóa bỏ từ ngày sụp vỡ VNCH, 1975 nhưng vô hiệu. Nếu không nói đã gây phản tác động mạnh mẽ, sâu rộng, củng khắp.. Bởi Văn Hóa Nghệ Thuật phương Nam đã khiến kẻ xâm lược cộng sản hiện đủ bản chất vô tính, bất nhân, phi dân tộc của bản thân trước chứng nhận của Lịch Sử và Dân Tộc, cho dù đã đoạt thắng quân sự tại ngày 30 tháng 4, 1975. Thanh Âm/Tiếng Lời từ Nhạc Nguyễn Văn Đông vẫn mãi tồn tại thắm thiết như cảnh tượng cảm xúc màn mưa bay qua khu đồn vắng in hình Người Lính Cộng Hòa chắc tay súng giữ nước, an dân..

1. Ông sinh năm 1932 tại quận Nhất, Sài Gòn, năm 1946, vào tuổi 14, gia đình gửi thiếu niên Nguyễn Văn Đông vào Trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu bắt đầu nghiệp dĩ Chiến Sĩ-Nghệ Sĩ và ông đã tận hiến suốt đời dài cho đến ngày vĩnh viễn ra đi, buổi đầu xuân 2018. Hoàn tất chương trình văn hóa- quân sự Trường Thiếu Sinh Quân năm 19 tuổi, người thanh niên NVĐông đương nhiên tiếp theo học Khóa 4 Trường Võ Bị Nam Việt cũng tại Vũng Tàu. Tháng 10 năm 1952, ông tốt nghiệp Thủ Khoa Thiếu Úy Trường Võ Bị, qua năm 1953, học bổ tức khóa "Ðại Đội Trưởng" tại trường Liên Quân Ðà Lạt; Năm 1954, ông ra Hà Nội hoàn tất khóa "Tiểu Đoàn Trưởng" để trở nên sĩ quan cấp Tiểu Đoàn Trưởng trẻ nhất của Quân Đội Quốc Gia lúc 22 tuổi. Những lý lịch quân vụ vừa kể cần được nhắc lại để thấy ra tấm lòng thiết tha yêu quân ngũ, phụng vu đất nước là một phản ứng tự động ắt có từ người quân nhân thuần thành – Nguyên Thiếu Sinh Quân, Đại Tá VNCH- Nhạc Sĩ Nguyễn Văn Đông – Tính cách cao thượng với dạng thức bình thường của những thế hệ Người Lính Cộng Hòa qua thể hiện Nghệ Thuật cao và Chiến Đấu bền bỉ.. Tương tự trường hợp Trung Tá Nhẩy Dù Nhiếp Ảnh Gia Nguyễn Ngọc Hạnh, kế tục với những thế hệ sinh vào thập niên 1940, 1950 đã góp mặt suốt cuộc chiến Việt Nam cho đến ngày tàn cuộc.. Điễn hình với gương hy sinh lẫm liệt của Nguyên Thiếu Sinh Quân, Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn. Chúng ta hãy cùng Người Lính-Nghệ sĩ Nguyễn Văn Đông sống lại những phút giây cảm xúc khi Tình Yêu và Tình Đất Nước hòa lẫn nên thành Một – Hiện thực với thê hệ Tuổi Trẻ đã Yêu/Sống trên quê hương rực rỡ Miền Nam như lời ca thắm thiết, âm sắc kỳ ảo trong Khúc Tình Ca hàng hàng lớp lớp..

#2 Đất nước hầu như không hề dứt tiếng súng từ tuổi thiếu niên, ngày anh trở thành Người Lính.. Anh sống quen với gian khổ, làm bạn với hiểm nguy cho đến buổi tàn cuộc 30 tháng 4, 1975, chấp nhận phận Người Dân mất nước, Người Lính gãy súng không lời than van, oán trách, kêu gào đền đáp với lòng tự trọng của bậc trí nhân. Hôm nay, nhân ngày Người về cõi vĩnh hằng, thành phần người Việt tồn tại sau cuộc chiến, lớp người trẻ trưởng thành nơi hải ngoại dần nhận ra điều kiêu hãnh: Quân Lực VNCH gồm những chiến binh với sức chiến đấu kiên cường, những đơn vị không hề thua sút so với bất cứ quân đội nào trên thế giới. Và kỳ lạ thay, song song với cuộc chiến đấu âm thầm, bền bỉ và cao thượng dẫu bị xuyên tạc, mạ lỵ bởi một bộ máy tuyên truyền Đông-Tây từ bạn lẫn thù.. Cuộc chiến đã được một Giòng Nhạc Chiến Đấu xây dựng, khắc sâu Hình Tượng Anh Lính Cộng Hòa vào tâm thức Người Dân Miền Nam nước Việt. Dạng hình, tính danh Người Lính ấy đã luôn tồn tại dẫu quá 43 năm kể từ 30/4/75.. Hãnh diện biết bao nếu chúng ta thấy ra rằng Giòng Nhạc Chiến Đấu ấy đã khởi động rất sớm với Nguyễn Văn Đông từ thập niên 50, 60 qua lời tự thuật chân thành xúc động của viên Trung Úy vừa qua tuổi 20.. Tiền đồn cuối năm 1956, đêm 30 Tết, trời tối đen như mực, phút giao thừa lạnh lẽo hắt hiu, không bánh chưng xanh, không hương khói gia đình.. Vào đúng thời điểm giao thừa, ngọn đèn bão dưới chiến hào thắp sáng lên như đón chào năm mới thì cũng là lúc những tràng súng liên thanh nổ rền từ chốt tiền tiêu. Khi ấy vào buổi tinh mơ của trời đất giao hòa, vạn vật như hòa quyện vào tâm thân, tưởng như hồn thiêng sông núi, khí phách tiền nhân bừng bừng trong máu huyết. Từ sâu thẵm trong anh rộn lên những xúc cảm lạ thường, làm nảy sinh những cung bậc đầu tiên của khúc hát Phiên Gác Đêm Xuân..

3. Tình Yêu vốn có yếu tính của sự Vô Cùng, tuy nhiên con người vẫn có khả năng đạt tới cảnh giới vô cùng ấy ngay tại đời sống bình thường, đơn giản mà chỉ cần mối chân tình và nhiệt tâm yêu thương. Đây không là vấn đề, câu chuyện của văn chương cao xa, lãnh vực nghệ thuật sâu sắc, phạm vi triết học huyền bí.. Nhưng là thực tế được Người Lính/Mỗi Người Lính trong đoàn quân đông đảo, trên quê hương Miền Nam hiện sống qua từng ngày bão lửa từ cảnh sống nguy khốn của mình – Người Lính đã chịu đựng gian nguy, căng thân chiến đấu, từ, với Thương Yêu của Lòng Mẹ nhiệm mầu. Sự mầu nhiệm nầy càng cụ thể hơn sau ngày 30/4/1975 với tình cảnh Người Tù Lính Cộng Hòa để vượt cao hơn cái chết, bứt thoát khỏi đọa đày, cùm vây khổ đói với năng lực Yêu Thương – Tình Yêu Thương của Người Mẹ Miền Nam – Thế nên với tâm chất mẫm cảm nhân hậu của Người Nghệ Sĩ, Nguyễn Văn Đông đã thấy ra từ rất xa năng lực vô vàn của Lòng Mẹ – Tất cả cố kết nên hình tượng – Người Mẹ của thế gian khổ đau nầy và Mẹ Maria cũng là Một. Đã từ rất lâu Nhạc Nguyễn Văn Đông đã viết nên nên âm thanh, ngôn ngữ cảm xúc.. Mẹ ơi lời tâm thư gói trọn tình con viết từ chiến trường.. Mẹ ơi sầu lo chi tóc già bạc phơ xót xa lòng con.. Mẹ ơi cầu xin cho xóm làng quê hương xóa mờ chiến trường.. Đồng bào ta cùng thương nhau.. xóa hận thù đi.. lấp đi đường ranh giới.. Buổi Yêu Thương cao quý kia được Nghệ sĩ Nguyễn Văn Đông hiển hiện tại thời điểm linh thiêng.. Một trời sao sáng ngời. Thiên Chúa sinh ra đời. Mang tình yêu thương tới khắp nơi trần thế.. Muôn lời ngợi ca Chúa Giáng Sinh trần gian !

#4- Lịch sử Dân Tộc Việt hầu như rất hiếm có giai đoạn thanh bình lâu dài.. Bởi phải luôn trực diện đương cự kẻ thù phương Bắc, mở rộng bờ cõi phương Nam.. Qua đến thế kỷ 19, từ khi tiếng súng của tàu chiến Pháp khai hỏa ở cửa Đà Nẵng thì đất nước chìm dần vào cảnh can qua với những thế hệ người Việt quyết tử đánh ngoại xâm giành độc lập dân tộc. Máu xương người Việt tiếp tục tuôn tràn chất đống khi tổ chức, cộng sản thành hình từ 1930, và quyết giành độc quyền cai trị Dân Việt mặc cho đau thương vạn triêu Người Việt lót đường cho mưu định nhuộm đỏ toàn cầu.. Những thế hệ Người Việt Tự Do phải nhất tề siết chặt tay súng với ý niệm không hể nói nên lời: Tự Do hay Chết. Người Lính Việt Nam dần được hình thành với sứ nhiệm Bảo Quốc An Dân mà quả thật họ không hề nói lên thành chủ thuyết..Trong diễn trình sống/chiến đấu/vượt chết nầy những hình ảnh về người lính thoạt đầu do ước lệ, quy định sẵn dần nên thành hiện thực, sống động, cố kết.. Nầy đây, người trẻ hai mươi, vừa rời lớp học, bỏ bộ đồ dân sự để gánh trên vai ba-lô, cây súng, chiếc nón sắt.. Tất cả kết thành khối nặng tương đương với thân thể, bắt đầu dấn thân vào cuộc trường chinh không kết thúc với số lương lính ít ỏi, bổn phận nặng nề, cảnh chết thường xuyên đe dọa.. Người Lính Miền Nam dần kết cấu nên dạng hình thân yêu hy sinh, xã kỷ của đất nước Miền Nam. Vì đấy chính là người con thân yêu, đứa em máu thịt, người chồng, người cha cột trụ của gia đình, xã hội, đời sống của vạn, triệu người dân.. Nhạc Lính đã hình thành trong diễn tiến nhân bản, thiết tha nầy.. Nguyễn Văn Đông đi tiên phong từ thập niên 50, 60, ông tái hiện cảnh sắc của tiền đồn đầu xuân, đêm gác buổi giao thừa, cảm xúc của người xa xứ nhìn lại chốn quê hương đang trong vùng lửa đạn.. Tiếng lời, ngôn ngữ, cấu trúc Nhạc Nguyễn Văn Đông thanh thoát, đơn giản, trung hậu, chân thành để người ca sĩ diễn đạt như đã sống THẬT NHƯ THẾ.. Nhiều thế hệ người Nam qua âm sắc dựng nên bởi Nguyễn Văn Đông tưởng như đã từng một lần tận yêu thương, hằng sống mãi trong một chiều mưa nơi một miền biên giới mù sương..

Kết Từ: Ông có một tính danh đơn giản – Nguyễn Văn Đông, khởi đầu cuộc sống với một tập thể thấm nhuần nguyên tắc và nặng tính kỹ luật, Trường Thiếu Sinh Quân. Và sau khi tốt nghiệp sĩ quan giữ nhiệm vụ một sĩ quan chỉ huy, tham mưu của đơn vị bộ binh tác chiến. Ông sáng tác ca khúc, soạn tuồng tích sân khấu cải lương, phối hợp tân-cổ nhạc.. Ông thành công trong nghiệp vụ sản xuất sản phẩm nghệ thuật sân khấu, cũng như quân vụ, hiện thực một đời sống đơn giản, bình an và sung mãn cả vật chất lẫn tinh thần. Nhưng không hẳn là vậy.

Sau tháng 4/1975, ông phải chịu cảnh tù cải tạo trong 10 năm như thống nhục chung toàn miền Nam.. Nhưng không phải chỉ cảnh tù bình thường mà tình cảnh cùng khốn của người bị bại liệt nằm trên một tấm ván nhỏ, dùng tay di chuyển đẩy đi. 1985, ông ra khỏi nhà tù, trở trở về nhà, chịu nhiều di chứng trầm kha, tinh thần và thể xác bị suy sụp toàn diện. Nhưng từ trong cơ thể tan vỡ kia, từ chiếc đầu đã mất năng lực sáng tạo nghệ thuật, khi một giám đốc trung tâm băng nhạc hải ngoại về Saigon tiếp xúc với ông và chuẩn bị một chương trình Nhạc Nguyễn Văn Đông với các ca sĩ thành danh do anh đào tạo trước kia.. Tất cả dự tính ắt sẽ thực hiện chỉ đợi những thủ tục giấy tờ, bảo lảnh, trung tâm băng nhạc đã làm sẵn Visa đưa ông sang Mỹ. Nhưng cuối cùng ông đã từ chối với lý do: Nếu chịu qua Mỹ, sau khi về lại Việt Nam thì thế nào cũng bị kiểm điểm bởi những tên cộng sản trẻ tuổi. Ông đã quá lớn tuổi, không thể để bị gọi lên đồn công an, để trả lời cuộc thẩm vấn bởi mấy tên con nít, không biết gì về âm nhạc.." Vâng, sau bao nhiêu khổ nạn, đọa đày ông giữ nguyên tư cách của một sĩ quan Cấp Đại Tá Quân Lực VNCH. Ông giữ đúng phẩm chất một bậc thầy tốt nhiệp Tiến Sĩ Học Viện Âm Nhạc Pháp. Nhưng cao hơn hết, ông vẫn là, luôn là Nhạc Sĩ Nguyễn Văn Đông- Người đã tái hiện, làm sống mãi cảnh tượng kỳ ảo mưa bay qua khu đồn vắng nơi buổi Chiều Mưa Biên Giới trên Quê Hương yếu dấu Miền Nam. Hôm nay, vào những buổi chiều mưa trên quê hương, trong lòng người Miền Nam nhớ nước ở hải ngoại vẫn âm vọng tiếng mưa vô hồi tiễn Người đi về cõi vĩnh hằng – Chiến Sĩ-Nhạc Sĩ Nguyễn Văn Đông.

Categories: Linh Tinh | Leave a comment

Kỷ Niệm với Nguyễn Văn Đông kỳ 2- Ns Trường Sa, Hãng dĩa VN và Sóng Thần, Thúy Nga mờ i NVĐ vào 2006- March 5, 2018

Hoàng Lan Chi

KỶ NIỆM VỚI NGUYỄN VĂN ĐÔNG- KỲ 2

-TỪ Ns TRƯỜNG SA đến HÃNG DĨA VIỆT NAM và SÓNG NHẠC

-THÚY NGA ĐÃ MỜI NGUYỄN VĂN ĐÔNG KHI NÀO

LGT:

Trong kỳ 1 nói về nhạc phẩm Mấy Dặm Sơn Khê, chúng tôi đã gửi đến quý vị những ý kiến và cả chuyện kể của Nguyễn Văn Đông qua mails của chúng tôi với Nguyễn Văn Đông. Vào 2014, sau khi chúng tôi góp ý thì nhà báo Phạm Kim đã cho thực hiện version 2 rất hay với tiếng hát Xuân Thanh. XT là một ca sĩ Seattle có giọng hát rất mạnh và truyền cảm. Cá nhân tôi biết và yêu XT khi lần đầu được nghe XT hát “Nước Non Ngàn Dặm Ra Đi”. Kỳ 2 này xin được chia sẻ về chuyện nhạc sĩ Trường Sa với băng Sơn Ca 9 có hai bản nhạc của TS với tiếng hát Lệ Thu. Trong Câu Chuyện Văn Nghệ với Quỳnh Giao ( https://youtu.be/1U_X8UnpJ7w), cố ca sĩ QG có nói rằng những băng Sơn Ca rất có giá trị vì Nguyễn Văn Đông đã mời những nhạc sĩ thượng thặng về hòa âm như Nghiêm Phú Phi, Hoàng Trọng, Lê Văn Thiện, Văn Phụng…Chính những hòa âm và kỹ thuật của Continental và Sơn ca ĐÃ NÂNG GIÁ TRỊ NHẠC PHẨM lên rất nhiều. cũng kỳ 2 này, xin gửi các bằng chứng cho thấy Thúy Nga cũng đã cố gắng mời Nguyễn Văn Đông qua Mỹ mà không thành vì vài lý do.

Ngoài ra, sau khi Ns Nguyễn Văn Đông qua đời, trong những bài tưởng nhớ đã có vài bài như sau: 1) Kể chuyện không đúng: vd ô Chu tất Tiến đã kể là Ns Nguyễn Văn Đông lấy vợ và bị một bà ghen thuê một nhà văn lớn viết bài đăng chuyện tình của Nguyễn Văn Đông (sic), CTT là người “giúp” Nguyễn Văn Đông có chương trình nhạc ở hải ngoại nhưng phút cuối không đi (Sic!). 2) Kẻ thì: Nguyễn Văn Đông đã viết riêng nhạc phẩm cho họ (sic!) 3) Người thì kể như thật: chị Thu kể lại là chị vẫn còn khả năng sinh nở nhưng ông Đông thì không và còn dám cho ô Đông đã lấy vợ từ 1973 (sic!). Tất cả những bịa đặt, dối trá này chỉ có thể xuất phát từ những con người thiếu lòng tự trọng và không tử tế. Xin vong hồn nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông tha thứ cho họ.

Hoàng Lan Chi

3/2018

**********************************************

TỪ NS TRƯỜNG SA

Tôi có anh bạn, Vũ Thất, Thiếu Tá Hạm Trưởng, giới thiệu nhạc sĩ Trường Sa với tôi. Thật tình tôi cũng dở là không nhớ Trường Sa nhưng khi Vũ Thất nhắc “Rồi mai tôi đưa em” thì lại nhớ. Tôi bèn liên lạc và phỏng vấn. Trường Sa là một nhạc sĩ tính tình dễ thương, hiền hòa. Thường diễn tiến cho một bài Trò Chuyện với Lan Chi của tôi là liên lạc, gửi câu hỏi, nhận trả lời, bổ sung câu hỏi, cuối cùng mới trình làng. Cứ mail qua lại như thế dăm lần.

Trong thời gian phỏng vấn TS, tôi có kể cho Nguyễn Văn Đông nghe. Anh Đông viết cho tôi “Anh có cho Sơn Ca làm album cho Lệ Thu”. Tuy vậy khi tôi hỏi thì nhạc sĩ TS lại nói không biết gì cả. Tôi rất ngạc nhiên vì biết Nguyễn Văn Đông không nói xạo. Tôi mail cho Nguyễn Văn Đông và sau đó ô scan bìa Sơn Ca 9 có hai bài của Trường Sa! Tất nhiên tôi chuyển cho TS xem và Trường Sa chỉ nói giản dị “ xin cám ơn muộn Ns Nguyễn Văn Đông”. Sau đó Nguyễn Văn Đông kể cho tôi nghe về dự tính của ca sĩ Lệ Thu. Nguyễn Văn Đông khen Lệ Thu có tình nghĩa. Lệ Thu biết cám ơn Sơn Ca đã đưa tên tuổi Lệ Thu lên cao. Vì thế khi Lệ Thu dự tính làm show Lệ Thu ở Sài Gòn thì sẽ có màn vinh danh Nguyễn Văn Đông nhưng ông đã từ chối vì ông luôn “ẩn mình”. (Hoàng Lan Chi ghi chú: ông thích ẩn mình với bên ngoài nhưng ông kể rất nhiều cho Hoàng Lan Chi nghe và tất nhiên có những thâm cung bí sử thì Hoàng Lan Chi không thể phổ biến được! Nhà văn Văn Quang cũng thế. Ông kể tào lao cho Hoàng Lan Chi nghe và dặn : gia đình các bà ấy đang đùm đề, em đừng đưa ra public nhé!)

Chuỗi mails:

1-From: LanChi
Sent: Tuesday, February 18, 2014 4:37 AM
Hi anh, Trường Sa nói ảnh giao cho Hãng Việt Nam và mấy hãng kia trả tiền ảnh đàng hoàng. Ảnh không hề biết hãng Sơn Ca. Ảnh nói có lẽ thời gian ông Cẩm đưa cho Sơn Ca và ảnh hoàn toàn không nhận/không biết gì hết.

2- From: Nguyễn Văn Đông
Sent: Monday, February 17, 2014 7:14 PM
To: LanChi
Gởi em xem 2 files về hình bìa và list nhạc SƠN CA 9, có thâu 2 bài của Trường Sa. Thời đó chương trình Sơn Ca và Continental nổi tiếng vì chương trình nghệ thuật và kỷ thuật cao, thực hiện rất công phu. Cả nước đều biết tiếng, riêng Trường Sa thì lại không hề biết Sơn Ca là ai. Tiếc thật.

From: Nguyễn Văn Đông

Date: 2014-02-21 3:20 GMT+10:00
Subject: Re: Nhạc sĩ Nguyễn Vũ sài gòn
Em à, Anh nhớ cách đây vài năm, ca sĩ Lệ Thu đi cùng với một đạo diễn truyền hình đến gặp anh trình bày ý tưởng về một chương trình ca nhạc. Lệ Thu nói : “ Em lần đầu về nước được Trường Quốc gia âm nhạc thành phố HCM mời trình diễn tại đây trước một số khán giả chọn lọc. Em và anh đạo diễn đây có ý kiến dàn dựng màn ra mắt với sự có mặt của anh Đông. Ý tưởng như thế này, một tape recorder Akai ngày xưa để ở giửa sân khấu phát băng nhạc Sơn Ca số 9 Tiếng hát Lệ Thu, khi ấy sân khấu tối thui tắt hết đèn phông và đèn ria, chỉ còn lại mổi chiếc đèn pha từ trên cao chiếu xuống máy Akai, tạo một vùng sáng duy nhất trên sân khấu. Em từ trong hậu trường tiến ra giửa sân khấu chào khán giả và sau đó có đôi lời cám ơn nhạc sĩ NVĐ, là người thực hiện chương trình nghệ thuật Sơn Ca, đưa tên tuổi Lệ Thu đến với người yêu nhạc. Khi ấy anh Đông ngồi ở hàng ghế khán giả, chỉ cần anh đứng lên đón nhận bó hoa cũa em. Biết anh kín tiếng, anh không cần phát biểu gì hết”. Nghe Lệ Thu và ông đạo diễn trình bày như vậy, anh Đông rất xúc động trước danh dự dành cho mình nhưng từ chối xuất hiện vì những lý do riêng. Do đó ý tưởng vể màn trình diễn máy Akai với Lệ Thu và Nguyễn văn Đông không thành. Trên đời này vẫn còn có người tri âm tri kỷ nhớ nhau. Còn TS không biết gì về Sơn Ca, tiếc thật.

ĐẾN HÃNG DĨA VIỆT NAM VÀ SÓNG NHẠC

Vì chuyện nhạc Trường Sa mà TS nói chỉ biết bà Liên, hãng dĩa VN nên tôi nói Nguyễn Văn Đông giới thiệu hai người chủ của hai hãng dĩa Việt Nam và Sóng Nhạc để tôi xin phỏng vấn họ vì tôi thích nghe người cũ kể về “Saigon Muôn Năm Cũ”.

Nguyễn Văn Đông đã “chọc quê” tôi như vầy:

From: Nguyễn Văn Đông
Date: 2014-02-18 19:03 GMT+10:00
Subject: Re: truong sa

Em ơi là em ơi, Em sẽ hoàn toàn thất vọng khi có ý định đi tìm các ông bà chủ hãng đĩa của Saigòn muôn năm cũ. Bà Lê Ngọc Liên chủ hãng đĩa Việt Nam và ông Nguyễn Tất Oanh chủ hãng đĩa Sóng Nhạc đều không phải nhạc sĩ, không am hiểu nhiều về nghệ thuật nhưng thích ca nhạc, thích làm văn nghệ. Họ là những nhà triệu phú ở đất Saigòn, đời cha dư tiền lập chơi để giao du với nghệ sĩ, truyền qua cho đời con tiếp tục vậy thôi. Hầu hết nhạc sĩ thời đó rất thích cô Sáu Liên và ông Oanh vì dễ dàng tán hưu tán vượn để bán bài. Trong nghề nghiệp, cô Sáu Liên và ông Oanh coi anh Đông là đồng nghiệp tốt bụng, luôn luôn nhường nhịn sẻ chia, sẳn lòng giúp ý kiến và tìm đường lối đi riêng tránh va chạm. Ông Oanh đã qua đời cách đây vài năm, con rể ông là nhạc sĩ Hoàng Trang giúp việc cho anh Đông ở hãng Continental và Sơn Ca mà không làm cho cha vợ mình vì muốn học hỏi tay nghề. Đến nay chỉ còn cô Sáu Liên hãng Việt Nam tồn tại là nhờ có chồng cán bộ cao cấp. Cô Sáu Liên mê cải lương nên thần tượng anh Đông hết mình trong vai trò đạo diển âm nhạc và thầy tuồng. Cô hay nói vui nhịn ăn cơm đễ nghe tuồng của anh Đông. Em phỏng vấn sẽ nghe cô Sáu tán dương anh Đông tận mây xanh nhưng lại không thích thú trả lời về ca nhạc. Em cứ phỏng vấn rồi thấy chiêm nghiệm lời anh nói. Cũng như trường hợp ông Bầu Xuân sẵn sàng tuôn trào tâm sự về cô đào hát nào đó làm cho ông sạt nghiệp nhưng lại mù tịch về tuồng tích nào hay dở trong thời gian ông làm bầu gánh hát. Anh Đông.

Nguyễn Văn Đông nói đúng vì quả tình tôi có liên lạc được với ông bầu Xuân. Ông là bầu gánh Dạ Lý Hương thì phải. Ông kể về người đẹp MT thao thao bất tuyệt. Qua Nguyễn Văn Đông và cả bầu Xuân, tôi nghiệm ra rằng từ 1954 đến 1960, miên Nam rất thanh bình, phồn thịnh. Các vị triệu phú Sài Gòn thời đó làm ăn có vẻ rất thật thà chân chất. Các hãng dĩa thời đó đúng như anh Đông mô tả. Họ không nhuốm vẻ “mafia văn nghệ” như bây giờ.

THÚY NGA MỜI NGUYỄN VĂN ĐÔNG -2006

Năm 2009, tôi viết bài “Viết Cho Người Còn Ở Lại”. (http://hoanglanchi.com/?p=1001).

Tôi gửi cho Nguyễn Văn Đông xem trước. Ông xin tôi cho thêm một đoạn. Trong đó ông kể về vụ Thúy Nga đã mời Nguyễn Văn Đông vào 2006 nhưng TLS Mỹ đã không cấp visa.

Ông cũng scan các thư cho tôi:

Thư từ Thúy Nga và Mayor Margie L. Rice gửi Tổng Lãnh Sự Mỹ vào 2006

Quả là đáng tiếc. Nếu Mỹ cấp visa thì Nguyễn Văn Đông đã có một chương trình đặc biệt vào 2006. Hai nhạc sĩ viết về lính hay nhất theo thiển ý cá nhân là Trần Thiện Thanh và Nguyễn Văn Đông thì Nhật Trường TTT đã có, Nguyễn Văn Đông thì không. Năm 2007, khi tôi thực hiện chương trình âm nhạc “Hà Thanh với Nguyễn Văn Đông” phải nói thính giả rất ưa thích. Rất nhiều người thuộc thế hệ Một và Một Rưỡi vẫn còn yêu mến những Chiều Mưa Biên Giới, Mấy Dặm Sơn Khê, Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp, Phiên Gác Đêm Xuân, Hải Ngoại Thương Ca, Về Mái Nhà Xưa.

Mai sau dù có bao giờ…

Hoàng Lan Chi

Xem tiếp kỳ 3

Categories: Linh Tinh | Leave a comment

Kỷ Niệm với Nguyễn Văn Đông- Kỳ 1- Mấy Dặm Sơn Khê- March 4, 201 8

Trích LanChiYesterday-Những vụn vặt đời sống quanh tôi

Kỷ Niệm với Nguyễn Văn Đông

Kỳ 1: Mấy Dặm Sơn Khê

-1960: Trần văn Trạch và Lệ Thanh là hai nghệ sĩ đầu tiên thâu thanh ra đĩa 45 tours của hãng Tân Thanh.

Năm 1961, tác giả và ca sĩ Thái Thanh cùng Nghiêm Phú Phi, trình bày lần đầu tiên trong Đại nhạc hội Trăm Hoa Miền Nam.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông là một trong hai nhạc sĩ tôi yêu mến. Một nhạc sĩ thì là vì nhạc phẩm tình ca quê hương và cả tình ca đôi lứa của ông. Còn Nguyễn Văn Đông là vì nhạc phẩm về lính. Cả hai đều đã giã từ cuộc chơi. Hôm nay Việt Nam giã biệt ông. Ông được đưa hỏa táng va sau đó rải biển cả.

Trong cuộc đời của hai người nhạc sĩ này, có lẽ Hoàng Lan Chi có một vị trí rất đặc biệt. Cả hai nhạc sĩ tài danh này không hiếm phụ nữ đẹp đi qua cuộc đời họ nhưng có lẽ hầu hết là học trò thơ ngây, hoặc ca sĩ, hoặc nghệ sĩ. Dường như Hoàng Lan Chi là người phụ nữ mà hai ông biết rất muộn và thuộc một lãnh vực khác hẳn các phụ nữ kia: lãnh vực giáo dục, “gõ đầu trẻ” (trẻ là sinh viên) nghĩa là một hình ảnh nghiêm khắc, nề nếp, khác hẳn các nghệ sĩ. Có lẽ vậy mà cả hai nhạc sĩ khi viết mail cho HLC đều có những tôn trọng đặc biệt.

Phạm Duy sáng tác nhạc rất đa dạng nhưng tựu trung vẫn là giòng nhạc cao cấp. Nguyễn Văn Đông cũng đa dạng nhưng có những khuynh hướng trái hẳn nhau: tân và cổ nhạc; nhạc cao cấp và bolero. Vì lẽ đó Nguyễn Văn Đông phải sử dụng nhiều bút hiệu khác nhau tùy mục đích. Tôi mỉm cười khi nhớ về mình. Thì cá nhân tôi cũng phải dùng nhiều bút hiệu: Văn Học Nghệ Thuật, thời sự, tranh luận ngắn…Nguyễn Văn Đông từng giãi bày về vụ phải dùng nhiều bút hiệu như sau “ . Trước năm 1975, anh Đông có lấy một lô bút danh như Vì Dân, Đông Phương Tử, Phượng Linh, Phương Hà, Hoàng Long Nguyên, khai hết ra đây cho cô biết luôn. Lý do chuyện này buồn lắm, quân đội thì cấm đoán, giới văn nghệ thì không ưa, nên anh Đông phải phân tán ra nhiều tên, không tập trung vào một cái tên NVĐ. Anh Đông không ở trong Tổng Cục Tâm Lý Chiến, hoạt động đơn độc nên thiếu sự chính danh để được bảo vệ và vây cánh tung hê. Có lần TT Thiệu quở mắng, phán có nhiều thơ tố cáo lợi dụng văn nghệ ăn chơi trác táng làm hại uy tín quân đội. Khi ông Tổng Tư Lệnh Quân Đội phán quyết như vậy thì coi như đường binh nghiệp tàn rồi. Sau năm 1975 ở lại trong nước, tác phẩm cũng không được hoan nghênh, ca sĩ nào lỡ hát thì bị kiểm điểm phạt. Lại phải xoay trở có thêm bút danh nữa viết về Saigòn và linh tinh có gởi cho cô nghe. Nhớ lại Du Tử Lê viết, NVĐ đứng chông chênh giữa hai đầu tả và hữu….nhận xét thật thâm thuý. Ngưng trích)

Tôi có nhiều kỷ niệm với Nguyễn Văn Đông hơn Phạm Duy. Đơn giản là khi tôi ra hải ngoại thì chỉ năm sau là PD về VN và tình bạn giữa PD-tôi đứt từ đó. Nguyễn Văn Đông thì không vậy. Từ khi quen cho đến khi anh ra đi, tôi chưa gặp bao giờ và Nguyễn Văn Đông vẫn ở VN.

Tôi quen Nguyễn Văn Đông cũng như khi tôi quen các người khác vì tôi định phỏng vấn họ cho chương trình âm nhạc của mình. Tôi đã từng “quen” như vậy với Tùng Giang, Nam Lộc, Trường Sa, Vũ Đức Nghiêm và một số nhạc sĩ trẻ hay không trẻ nhưng mới sáng tác sau 1975…Tuy vậy, với Nguyễn Văn Đông thì sau đó hình thành một tình bạn đặc biệt. Lý do: Nguyễn Văn Đông là một trong hai nhạc sĩ lớn mà tôi yêu mến nhạc phẩm nhất. Nguyễn Văn Đông đọc bài tôi viết và theo dõi con đường nghệ thuật của tôi.

TÂM TÌNH VỀ “MẤY DẶM SƠN KHÊ” ( MỘT TRONG HAI BÀI BỊ BỘ THÔNG TIN CẤM)

MDSK là một trong vài nhạc phẩm hay nhất của Nguyễn Văn Đông. Một nhạc phẩm lính với bi chen lẫn hùng. Không thề phanh thây uống máu quân thù và cũng chẳng ướt át nỉ non kiểu Trần Thiện Thanh. Nó đặc biệt hùng vĩ ( non nước ơi hồn thiêng của núi sông), nó đặc biệt hào hùng (dấn thân vào gió bụi, nghìn sau nối nghìn xưa). Thế nhưng vì vài câu mà MDSB đã từng bị Bộ Thông Tín cấm.

Nguyễn Văn Đông tâm tình như sau khi nhà báo Phạm Kim, vào 2014, nhờ tôi làm trung gian, hỏi xin phép Nguyễn Văn Đông để thực hiện và phổ biến ở Amazon. Trước đó, Nguyễn Văn Đông đã nói cho tôi nghe rồi nhưng khi P-Kim hỏi, anh gõ lại tận tình:

From: Nguyễn Văn Đông
Sent: Tue, Jan 28, 2014 9:20 am
Subject: Re: Xin anh Đông cho lời dẫn giải để có bài viết về :MẤY DẶM SƠN KHÊ –

Chào anh Phạm Kim,

Cám ơn anh quan tâm bản Mấy Dặm Sơn Khê. Theo yêu cầu của anh, tôi ghi lại một số tài liệu sau đây:

1/ Trần văn Trạch và Lệ Thanh là hai nghệ sĩ đầu tiên thâu thanh ra đĩa 45 tours của hãng Tân Thanh vào năm 1960. Trần văn Trạch sử dụng chất giọng đặc Nam bộ, pha luyến láy làn điệu “Bình Bán” cổ phương Nam, nghe rất duyên dáng (Đính kèm MP3 – Trần văn Trạch và Lệ Thanh). Năm 1961, tác giả và ca sĩ Thái Thanh cùng Nghiêm Phú Phi, trình bày lần đầu tiên trong Đại nhạc hội Trăm Hoa Miền Nam, một tổ chức văn nghệ quy mô vào thời đó do bà cố vấn Ngô Đình Nhu chủ toạ, diễn ra suốt 10 đêm tại rạp hát Hưng Đạo, Thủ đô Saigòn. Tôi nhớ khi ấy tác giả cùng Thái Thanh song ca thì nhạc sĩ Lê Thương đánh nhịp Ban nhạc Đại hoà tấu, còn nhạc trưởng Nghiêm Phú Phi ngồi đàn dương cầm dạo Prélude (Đính kèm MP3 – Thái Thanh). Sau đó một số nghệ sĩ như Hà Thanh, Hùng Cường, Tuyết Mai trình bày MDSK cũng rất thành công. Thời gian sau, vào tháng 11/1961, Bộ Thông Tin ra thông báo cấm lưu hành và trình diển 2 bài Chiều Mưa Biên Giới và Mấy Dặm Sơn Khê trên toàn quốc.

2/ Lý do lệnh cấm Mấy Dặm Sơn Khê vì ấn phẩm đầu tiên có lời ca mà Bộ cho là không thuận lợi cho cuộc chiến. Đó là những phân câu sau đây: “ Chít lên vành tang trắng”

Xin giải thích dụng ý câu “ Chít lên lên vành tang trắng” là chít lên vành khăn tang trắng lên người goá phụ có chồng là tử sĩ, không nhằm gợi ý trừu tượng hay ẩn dụ về “Sương trắng phủ ngang mấy dặm sơn khê” như anh đặt câu hỏi. Thời gian sau, tôi có chỉnh sửa, đặt lại lời 2 theo yêu cầu của Nhà Xuất Bản như sau: “Khoác lên vòng hoa trắng”.(Ý nói đoàn binh khoác vòng hoa chiến thắng thay vì chít khăn tang trắng lên người goá phụ tử sĩ).

3/ Bản Music sheet MDSK lần này được chụp hình lại và Scan bằng máy thật tốt nên có chất lượng trội hơn bản trước gởi anh (Đính kèm music sheet MDSK).

4/ Trong binh nghiệp, tác giả MDSK phần lớn thời gian phục vụ ở các đơn vị tác chiến, xuyên dọc qua các vùng chiến thuật, có cả vùng thượng du rừng núi Bắc Việt năm 1954, đi gần hết chiều dài cuộc chiến. Vì vậy, Mấy Dặm Sơn Khê có thể là phản ánh vùng núi rừng cao nguyên miền Trung hay Thất Sơn miền tây Nam Bộ mà tác giả đã từng sống và chiến đấu ở các nơi đó. Mong anh hài lòng với giải đáp này. Đính kèm 6 files.

Trước đó thì Nguyễn Văn Đông viết cho tôi như sau:

Nhân đây kể cô nghe vài tình tiết về bài Mấy Dặm Sơn Khê. Trần văn Trạch và Lệ Thanh là người đầu tiên thu âm bài này năm 1960, ghi ra diã 45 tours. Năm 1961, Bộ Thông Tin ra lệnh cấm 2 bài CMBG và MDSK, khi ấy hầu hết các báo Saigòn đăng tin ở trang nhất, gây dư luận sôi nổi. Quân đội phạt tác giả 15 ngày trọng cấm, loại ra ngoài danh sách thăng cấp trong 2 năm. Lý do tác giả là quân nhân không tuân thủ lệnh trình duyệt qua hệ thống quân đội. Dù trước đó, bà Ngô Đình Nhu đại diện Tổng Thống VNCH trao giải thưỏng âm nhạc cho đương sự do tổ chức thành công “Đại Hội Thi Đua Văn Nghệ Toàn Quốc” vào năm 1959 tại Saigòn. Thời gian sau khi dư luận lắng xuống, anh Đông có sửa lời ca bài MDSK, tài liệu có đính kèm theo đây. Bài MDSK có nhiều ca sĩ trình bày nhưng anh Đông chỉ ưng ý Hà Thanh, Thái Thanh, Hùng Cường, Trần văn Trạch và Lệ Thanh. Sau năm 1975, anh bị tịch thu tài sản, mất hết kho tài liệu âm nhạc trong chiến dịch bài trừ văn hoá đồi truỵ. Thời gian gần đây có thân hữu gởi cho anh Đông cái file Mp3- MDSK do Trần văn Trạch và Lệ Thanh ca mà từ lâu biệt tích trong nhân gian và trên mạng. Giọng ca Trần văn Trạch trong MDSK thật duyên dáng, khi áp dụng làn điệu miền Nam qua luyến lái hơi “Bình Bán” cổ xưa vào bài này với Ban đại hoà tấu do Nghiêm Phú Phi điều khiển. Anh Đông gởi cô nghe cái hay lạ Trần văn Trạch, khác biệt với các ca sĩ khác. Còn các bài do Hà Thanh, Thái Thanh, Hùng Cường thì có đầy rẩy trên mạng rồi. Vài hàng thăm cô và chúc cô dồi dào sức khoẻ, học giỏi toàn thời gian.

Trần văn Trạch và Lệ Thanh hát:

http://nhacdanca.net/may-dam-son-khe.html

Hùng Cường hát: (trước 75)

https://www.youtube.com/watch?v=n5ax7l5Feok

Hà Thanh hát:

https://youtu.be/VKPi95z7yJc

Thái Thanh hát:
https://youtu.be/ZaIzMBf_UuM

Sau đó Phạm Kim đưa mp3, Xuân Thanh hát, hỏi ý kiến. Tôi chuyển vài người và anh Đông ở bcc. Tôi góp ý. (Tóm lại ca sĩ cần để tự nhiên hơn, thủ thỉ hơn, không điệu quá, không rung quá. Vài chỗ ca sĩ chịu khó luyến láy: khá.). Ý kiến của ca sĩ Phượng Vũ: (Hòa âm và mix vocal hơi bị DRY nên làm bài nhạc bớt hay)

Anh Đông là người rất khéo léo. Không bao giờ muốn làm ai buồn lòng. Chính vì thế tôi cũng bị mắc hỡm anh vài lần. Nói vậy có nghĩa là …Đông đóng kịch rất giỏi (cười). Ai đời ban đầu Đông viết vầy cho tôi: “nhận quà của cô rồi. Chị Thu không cho ăn, bảo để ngắm đã”. “Con bé tồ” là tôi tưởng thật. Sau đó thì Nguyễn Văn Đông viết vầy ở thư khác “Sáng nay về nhà thấy Email của cô và Đỗ Văn Phúc, phát hoảng vì sắp có nhiều quà quá. Đến 5 kilos bánh kẹo ăn biết đến chừng nào cho hết để khỏi phụ lòng nhau. Rồi lại nghỉ thương anh Tường, bạn cô phải mang nặng vì nể cô, tội nghiệp quá đi. Cô ơi là cô ơi. Đến phút này thì phải nói thật với nhau thôi. Nhà anh Đông là cửa hàng bán tạp hoá, bán đủ thứ thượng vàng hạ cám, còn dám treo bảng hiệu ghi tiếng Mỹ là Store Glocery, khách ngoại quốc thích lắm. Các bàn thờ ông Địa và bàn thờ Phật luôn đầy ấp bánh kẹo ngoại và bổn xứ. Một lần mời đồng cốt lên hỏi han, các ngài tuyên bố ngán kẹo bánh lắm rồi, đãi cho ta trái cây thôi.” Ngưng trích.

Vì khéo vậy nên khi tôi góp ý thẳng thừng cho mp3 của Kim khi mới thử thực hiện còn ông Đông thì …lăng ba vi bộ. (cười). Lúc tôi mail riêng trách ông “lăng ba” thì ông trả lời vầy “Em à, Phạm Kim ra kinh doanh nhạc, Kim không là nhạc sĩ trong nghề, hẳn là có một bộ sậu đẳng cấp làm cố vấn nghệ thuật, kỷ thuật. Điều này cho thấy Kim tự tin rao hàng ngay từ phút đầu khi giao dịch với em về bài MDSK. Rõ ràng bài PK thực hiện có nhiều điểm yếu về kỷ thuật hòa âm phối khí cùng sự non kém của ca sĩ nếu đem so sánh với các phiên bản trước đây qua nữa thế kỷ. Những nhận xét tinh tế của em không thừa nhưng anh lại không muốn gây cho Kim mất hứng thú, mất khí thế đối với chúng ta. Anh từng ở trong nghề, thích lắng nghe phản hồi về sản phẩm mới của mình, hả hê biết mấy nếu lời có cánh. Ở đây cũng chỉ là bài hát thôi dù có liệt vào loại thượng thặng đi nữa, anh cũng không muốn phê phán chi nhiều làm cho đối tác mất đi hứng khởi ban đầu. Bởi bất cứ lúc nào anh cũng có đủ lực thể thực hiện được ngay một phiên bản mới theo tiêu chuẩn của em, bù đấp lại. Vì vậy em đừng ngạc nhiên khi thư anh có tình ý khuyến khích, tôn trọng gởi cho P-Kim. Em chia sẻ với anh nha. Anh Đông.

Đấy, Nguyễn Văn Đông lúc nào cũng khéo léo như vậy. Sau nữa ông biết có Hoàng Lan Chi nói thẳng rồi thì Phạm Kim sẽ cho sửa lại thôi, ông nói làm chi nữa.

Phạm Kim cũng nói có một bà ở San Jose sẵn lòng làm chương trình nhỏ cho Nguyễn Văn Đông ( không phải chương trình lớn như của Thúy Nga hay Asia). Tôi thì nghĩ ở CA sẽ có Phượng Vũ vì PV đã từng thực hiện chương trình nhạc Nguyễn Văn Đông cách đây nhiều năm do PV hát. Tôi bèn e-mail dụ khị Nguyễn Văn Đông đi Mỹ vì tôi rất muốn được gặp mặt anh một lần. Vậy là anh viết vầy (tôi không sửa lỗi chính tả của Nguyễn Văn Đông): “Em à. Thấy em phát hoạ chương trình nhạc NVĐ, tổ chức show ở khắp các thành phố lớn nước Mỹ, anh nghe thích quá. Từ lâu rồi, anh cũng mong có một chuyến đi văn nghệ như vậy, vừa du lịch vừa gặp lại bạn bè. Riêng trường hợp của anh thật đặc biệt, chưa kể hết em nghe, nó không giống bất cứ hoàn cảnh nào của những người chế độ cũ đi cãi tạo vể. Anh là người duy nhất bị tách ra từ trại cải tạo, đưa về giam giử ở khám lớn Chí Hoà, giam chung với các Linh mục lảnh đạo tinh thần, Thượng toạ Viện Hoá Đạo và Bộ trưởng thông tin chiêu hồi Hồ văn Châm, gần suốt 10 năm. Lý do là có uy tín lảnh đạo, lôi cuốn quần chúng chống đối. Rồi khi mãn tù về đời thường, 28 năm qua, anh từ chối tham gia vào đời sống mới, không gia nhập Hội nhạc sĩ VN, không vào Mặt Trận Tổ Quốc, hay phong trào trí thức Phường xóm nên ngầm bị xếp vào phần tử có thái độ không thiện chí. Mấy năm trước đây, khi Thuý Nga PBN mời sang, lảnh đạo văn hoá có huấn dụ “Những gì nên làm và không được làm”. Anh thấy có nhiều bất lợi, nhiêu khê nên huỷ bỏ chuyến đi. Khi Phạm Duy về nước, anh cũng từ chối tham gia vào các sinh hoạt văn nghệ của ông ta, khiến các nhà tổ chức cũng không thích anh cho là kiêu. Các buổi lễ lớn trong nước, họ muốn anh lên truyền hình phát biểu nhà nước không phân biệt đối xữ, luôn luôn tạo điều kiện cho người chế độ cũ sống hoà nhập cộng đồng , nhưng suốt thời gian qua do anh hay đau ốm luôn nên không có dịp làm vui lòng Nhà nước.Nên họ nói gần nói xa, không có sức khoẻ lên truyền hình Nhà nước mà lên truyền hình Show văn nghệ ở ngoại quốc như Thuý Nga, Asia thì là loại người lạc lỏng. Việc Thanh Tuyền bị cấm về VN hát, cùng một số khác hát cho Asia khi trở về nước bị phạt tiền và cấm hát một thời gian dài, là hình thức cảnh báo răn đe. Anh chị em này là loại lòng tông, còn đối với loại cá mập thì có những biện pháp nặng khác hơn. Dù sao anh vẫn chưa mất đi hy vọng, tìm cho mình một giải pháp ổn thoả. Anh có thể chọn cách đi du lịch và đứng sau các tổ chức văn nghệ góp ý cho họ. Đầu năm nay, ông Tô văn Lai có nhắc lại chuyện xưa, anh có hứa dành ưu tiên cho Thuý Nga khi thiên thời địa lợi. Lòng anh đã quyết, nhất định anh phải đi gặp em ở Virginia, nối tiếp “Chuyện Bâng Khuâng” về rừng thông lá đỏ.

PS: Em à, Nếu có ai muốn tổ chức chương trình nhạc NVĐ ( không có anh), anh Phạm Kim hay bà gì đó , em thay mặt anh nhận đi. Anh sẽ cung cấp cho em phần Scenario và thuyết minh, và điều Giao Linh sang nếu cần. Anh uỷ quyền em đại diện quyền lợi cho anh, anh không quan tâm tiền bạc, nếu có em giử đó, chờ anh sang cùng đi ăn kem, nhiều thì ăn cao lầu. Anh Đông.

Đọc giòng cuối, tôi không thích. Trả lời Nguyễn Văn Đông, tôi “ép” ông như sau “…Dài dòng vậy để anh hiểu: em không làm show Nguyễn Văn Đông nào hết như anh đề nghị . Một show chỉ có giá trị khi có tác giả hiện diện. Một show như vậy sẽ được lưu trữ làm tài liệu lịch sử. Em chú trọng đến khía cạnh lịch sử, not thương mại. Giao Linh hay Thanh Tuyền, cũng bị mất cảm tình của hải ngoại. Nhưng vì anh là người lancer họ, và họ sẽ hát nhạc anh. Vậy thôi. Nếu show có anh hiện diện, Hoàng Oanh, vẫn được cảm tình hải ngoại, chắc sẵn sàng hát “Lá Thư Người Lính Chiến” của anh, rất hay. Nhiều ca sĩ khá, có lẽ cũng sẵn sàng tham gia vì họ cũng từng hát nhạc anh, và có lẽ cũng từng quý mến anh. Tình trạng anh bị kẹt, suýt chết trong lao tù cs, có lẽ sẽ khiến nhiều ca sĩ sẵn lòng đến với chương trình và chỉ tính chi phí di chuyển. Em không ưa Khánh Ly nhưng có vẻ KL ngày ấy cũng hát một số nhạc của anh, khá hay. Em sẽ đề nghị bầu show mời Khánh Ly, chỉ hát một bài, với điều kiện chị ta không được đòi cát sê quá đáng. Nghe nói bà này hay hét giá trên trời. Nếu KL hét, em đề nghị dẹp KL. Sở dĩ em đề nghị KL vì coi như KL là một trong những người được anh làm CD cho đầu tiên (dường như Sơn ca số mấy gì đó, phải không?). Nghĩa là KL, chỉ xuất hiện, với tư cách lịch sử. Rằng mấy chục năm về trước, Nguyễn Văn Đông đã tung mode CD cho từng ca sĩ và KL là một trong vài ca sĩ thời đó…

Về điều anh e ngại: Thời điểm mỗi lúc mỗi khác. 2013, làn sóng dân chủ dấy lên toàn cầu. Nhà cầm quyền trong nước đang lo sốt vó. Vì nhiều thứ. Họ, không còn khe khắt như năm xưa. Bao nhiêu nhà đấu tranh dân chủ (thật hay giả..) đang mạnh mẽ. Internet khiến nhà cầm quyền cs không độc tài 100% được như xưa. Sau nữa, con chim cất tiếng hót cuối cùng là tiếng hót hùng tráng bi thương. Em đã thấy ông Nguyễn Văn Tý chửi Vc công khai cách đây 5 năm trên Thuý Nga hay Asia gì đó và có sao đâu? Em hoàn toàn không thích và không đồng ý một show nhạc Nguyễn Văn Đông nào mà không có anh hiện diện. (Nếu như anh cho em toàn quyền sở hữu nhạc anh thì em nói vậy đó!!!!!). Sau này, người chính thức nhận tác quyền (nếu có) từ nhạc anh thì là chị Thu. Chị là người yêu anh chân tình. Chị là người nuôi anh trong tù. Chị là người cứu sống anh khi anh trở về thoi thóp. Em nghĩ, chị là người đem lại cuộc đời thứ hai cho anh. Cho nên, nếu giữ tác quyền, em chỉ dành cái tinh thần và về vật chất, chị Thu là người xứng đáng và hợp pháp. Em rất thương chị. Em yêu mến nhạc anh, tiếng hát Hà Thanh là vì em yêu nước. Do lòng yêu nước nên em dễ xúc động trước những bản nhạc hùng tráng và vẽ lên hình tượng người lính đẹp theo kiểu của em. Em không thích hình tượng người lính của vài tác giả khác. Em thích người lính “hàng hàng lớp lớp chưa về, hàng hàng nối tiếp câu thế, giành lấy quê hương” của anh. Ngày xưa, như trong tạp ghi từng viết, em yêu nhạc hay tiếng hát và không chú ý tác giả. Về già, em mới chú ý đến tác giả. Phạm Duy, Nguyễn Văn Đông là hai người em yêu mến nhất về nhạc. Một cho tình ca quê hương và một cho người lính bảo vệ quê hương. Cũng may mắn mà Phạm Duy làm quen em rồi chú cháu tâm tình…Cũng may mắn mà em phỏng vấn thu âm anh. Cũng may mắn mà em và Hà Thanh gặp nhau. Trong duyên tình văn nghệ, với một “cô bé Bắc Kỳ chín nút ngày xưa cắm cúi học” và cha mẹ là nhà giáo, thì mọi chuyện tình cảm lãng mạn vẫn chỉ là kiểu “lãng mạn con nhà giáo”. Hôm nay nghỉ học nên mới gõ dài cho anh. Cali vẫn se lạnh. Chưa vào đông”. ngưng trích.

Nghĩa là tôi ép ông phải đi Mỹ và khi viết “Sau nữa, con chim cất tiếng hót cuối cùng là tiếng hót hùng tráng bi thương” là tôi khích tướng Nguyễn Văn Đông nhưng tôi thất bại vì chị Thu đang có cửa hàng thực phẩm. Nguyễn Văn Đông không dám làm gì ảnh hưởng đến nguồn sống của gia đình.

Còn tiếp

Hoàng Lan Chi

3/2018

Categories: Linh Tinh | Leave a comment

Create a free website or blog at WordPress.com.