Tiểu Sử Hà Thanh

Tiểu Sử Hà Thanh

TIỂU SỬ CA SĨ HÀ THANH
(1937-2014)

THÂN THẾ

Tên thật: Trần Thị Lục Hà

Sinh ngày: 25-7-1937 tại làng An Đô, quận Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế. An Đô là quê ngoại và gia đình có một trang trại lớn ở chân núi Trường Sơn. Hà Thanh đã “lọt lòng” khi thân mẫu đang thăm trang trại. Thân phụ là một giáo thụ túc Nho đã trích ra từ câu “Hạ thưởng Lục Hà trì – mùa Hạ ngắm hồ hoa súng” trong bài ngũ ngôn tứ tuyệt Tứ Thời của thi hào Thôi Hiệu để đặt tên.

Thiếu thời, trước khi lên Huế học, Hà Thanh đã sống trong trang trại của gia đình. Khung cảnh điền dã cạnh chân núi Trường Sơn đã un đúc phong cách sống hài hòa, giản dị và tinh thần nghệ sĩ của Hà Thanh.

Hà Thanh xuất thân từ một gia đình theo đạo Phật thuần thành, quy y với Hòa thượng Thích Tịnh Khiết với Pháp danh Tâm Tú và tham gia sinh hoạt Gia đình Phật Tử Hương Từ tại Huế.

Thân phụ: Trần Kiêm Phổ

Thân mẫu: Nguyễn Thị Cảnh

Nguyên quán: Làng Liễu Cốc Hạ, quận Hương Trà, Tỉnh Thừa Thiên – Huế. Con thứ tư trong gia đình có 10 anh chị em.

Chồng: Bùi Thế Dung. Kết hôn năm 1970.

Con cháu: con gái Bùi Trần Kim Huyên và 2 cháu ngoại.

Mất ngày: 1-1-2014 tại Boston, tiểu bang Massachusetts, Hoa Kỳ. Phút cuối Hà Thanh ra đi trong tiếng hộ niệm của chư Ni và sự có mặt đông đủ của gia đình.

SỰ NGHIỆP:

– Từ thời còn đi học trường Đồng Khánh, Hà Thanh tham gia ban nhạc Gió Mới hát trong chương trình Tiếng nói học sinh Quốc Học – Đồng Khánh trên đài phát thanh Huế.

– Năm 1953, trong cuộc Tuyển lựa Ca sĩ của Đài phát thanh Huế, Hà Thanh chiếm giải nhất với sáu nhạc phẩm rất khó. Trong đó có bài Dòng Sông Xanh (Le Beau Danube). Uyển danh Hà Thanh qua ý niệm Dòng Sông Xanh bắt đầu từ đó. Tuy có giọng hát thiên phú được ái mộ nồng nhiệt, nhưng tài năng của Hà Thanh bị giới hạn trong mảnh đất Cố Đô Huế vì sự nghiêm khắc của thân phụ và lễ giáo truyền thống của gia đình.

– Năm 1963, Hà Thanh vào Sài Gòn và bắt đầu hát ở đài phát thanh Sài Gòn, Quân Đội, Tự Do và ban nhạc Tiếng Tơ Đồng, Tiếng Thời Gian. Cùng thời, được các hãng đĩa, băng nhạc mời cộng tác thu thanh như: Sóng Nhạc, Việt Nam, Tân Thanh, Tứ Hải, Continental và Sơn Ca; nhưng không bao giờ hát ở phòng trà.

– Trước năm 1975, Hà Thanh đã nhiều lần tham gia vào các đoàn văn nghệ Việt Nam diễn ở châu Âu và Lào.

– Năm 1984, Hà Thanh sang định cư tại Hoa Kỳ. Tại đây, Hà Thanh tham gia trình diễn trong một số các chương trình văn nghệ nhưng không thường xuyên; trọng tâm là những sinh hoạt văn nghệ đặt nặng tính chất văn hóa, ái hữu và từ thiện.

– Đặc biệt là trong vòng thập niên cuối đời, Hà Thanh đã dồn hết tâm lực và tài hoa vào các chương trình và băng đĩa Phật đạo ca.

– Hà Thanh có thiên khiếu đặc biệt về âm nhạc: Đã phổ nhạc bài Sám Hối (lời Thích Nhất Hạnh), Dâng Mẹ (lời Thích Nữ Như Minh), Bên Rừng Nở Rộ Hoa Mai (lời Thích Nhất Hạnh), Kinh Chiều (ý nhạc Thích Trường Khánh).

Hà Thanh ra đi, để lại một dấu ấn nghệ thuật rất độc đáo trong lĩnh vực tân nhạc Việt Nam. Ngoài sự phong phú của băng đĩa, sản phẩm âm nhạc thu thanh tiếng hát tuyệt vời, Hà Thanh còn để lại hình ảnh hiếu thuận và tiết nghĩa của người nghệ sĩ trong quan hệ gia đình, xã hội, văn nghệ và Phật giáo Việt Nam.

Nói đến thân thế và sự nghiệp của người nghệ sĩ thường được ví như xem ống kính vạn hoa. Nghĩa là mỗi thời điểm, mỗi góc nhìn, mỗi tầm cảm nhận, mỗi tâm hồn trải nghiệm… đều có mỗi cách nhìn khác nhau. Bởi vậy, khi nhớ đến chị Hà Thanh trong giờ phút tưởng niệm nầy, tôi chỉ có đôi dòng cảm niệm tiễn biệt chị. Tiễn biệt mà không vĩnh biệt vì trên con đường sinh tử luân hồi, khi cầu nguyện cho hương hồn người vừa quá vãng được an nhiên vãng sanh về xứ Phật, người Phật tử nào cũng nghĩ về miền Cực Lạc như là một vùng đất hứa. Sự chia ly và hội ngộ cũng tương hội và gần gũi như mắt nhắm, mắt mở trên cùng một vầng trán trí tuệ, một khuôn mặt từ bi. Và Thiên Đường hay Cực Lạc chẳng ở đâu xa. Đó chỉ là trạng thái rỗng lặng của tâm khi không còn dính mắc. Xin tiễn biệt chị Hà Thanh ra đi cũng là trở về với chân tâm rỗng lặng.

Sacramento, ngày 5-1-2014
Trần Kiêm Đoàn

Categories: Tiểu Sử Hà Thanh | Leave a comment

Blog at WordPress.com.