Bài viết về Hà Thanh

Lê Xuân Trường- Hà Thanh: tiếng hát đầy ắp kỷ niệm của miền sông Hương núi Ngự

Hà Thanh: tiếng hát đầy ắp kỷ niệm của miền sông Hương núi Ngự,

Giữa không khí chuẩn bị đón mùa Xuân, làm nhớ lại những ca khúc tình cảm thời trước 1975, như “Hoa Xuân”, “Phiên Gác Đêm Xuân”, ” Sắc Hoa Mầu Nhớ”, nhẹ nhàng trữ tình, cũng là lúc kho tàng âm nhạc trước 75, lần lượt mất một nhạc sĩ gạo cội, Huỳnh Anh, và một ca sĩ đáng mến trước 1975: Ca sĩ Hà Thanh đã vĩnh viễn ra đi lúc 4 giờ 27 phút chiều (giờ miền Đông) ngày 1 tháng 1 năm 2014. Mãn phần tại thành phố Boston Massachusett, nơi cô cư ngụ hưởng thọ 77 tuổi sau vài năm chống trả với căn bệnh ung thư…

Hà Thanh tên thật là Trần Thị Lục Hà, sinh ở Liễu Cốc Hạ, huyện Hương Trà, Thừa Thiên Huế. Bà là con thứ tư trong một gia đình gia giáo có mười anh chị em mà không một người nào đi theo con đường văn nghệ, ngoài một người anh tỏ ra khuyến khích bà khi nhận thấy cô em mình có biệt tài ca hát. Là một người theo đạo Phật, ngày nhỏ Lục Hà theo học Trường Nữ Trung học Đồng Khánh và đã hát trong chương trình Tiếng Nói Học Sinh Quốc Học – Đồng Khánh trên Đài phát thanh Huế.

Đời nghệ sĩ của Hà Thanh bắt đầu từ năm 1953, lần đầu đài Phát Thanh Huế mở một cuộc tuyển lựa ca sĩ với quy mô lớn. Anh Trần Kiêm Tịnh biết cô em gái mình có giọng hát hay quá nên đã dắt em đi thi. Điều kiện ghi danh dự thi là phải từ 15 tuổi trở lên.

Ngày đó, Lục Hà, cô nữ sinh áo trắng nón bài thơ Huế mới 14 tuổi, nên phải “kiếm thêm một tuổi trời cho” nữa mới đủ tuổi dự thi và kết quả đứng đầu cuộc thi. Tuy ông cụ thân sinh chị Hà Thanh là người theo Tây học với tinh thần cởi mở phương Tây, nhưng “phương Tây Huế” thuở đó cũng vẫn còn trong mẫu mực nho phong. Nhạc sĩ Ngô Ganh là giám đốc đài phát thanh Huế đương thời, phải dùng uy tín của mình đến nhà năn nỉ, rằng: “Học hành thì đứa nào học chẳng được, nhưng còn cái tài của cháu Hà Thanh là một tài năng độc đáo, có giá trị trong cả nước Việt Nam. Nếu không cho đi hát thì tài năng sẽ bị mai một đi, uổng lắm.” Ông cụ nghe lời minh giải hợp lý nên cho đi hát ở đài phát thanh mà thôi, không hát ở phòng trà hay sân khấu. Từ đó, tiếng hát Hà Thanh đã vọng ra xa hơn bên ngoài rào dậu Vườn Thúy Hạnh. Người ta vừa thưởng thức giọng hát thanh thoát, mượt mà (uyển thanh) như tiếng sông Hương đang lên của Hà Thanh; nhưng đồng thời cũng vừa quan sát nàng ca sĩ xứ Huế đó như một hiện tượng.Hà Thanh đạt giải nhất với sáu nhạc phẩm rất khó, trong đó có bài “Dòng Sông Xanh”, và tên bài hát đó đã trở thành nghệ danh của cô: Hà Thanh.

Hà Thanh tiếp tục học và có đi hát cho Đài phát thanh Huế.

Năm 1963, trong chuyến vào thăm Sài Gòn, Hà Thanh đã được các trung tâm đĩa nhạc Continental, Tân Thanh, Sóng Nhạc, Asia, Việt Nam mời thu thanh nhiều nhạc phẩm. Năm 1965, Hà Thanh chính thức gia nhập sinh hoạt ca nhạc ở Sài Gòn. Bà trở thành một trong những giọng ca hàng đầu của Sài Gòn khi đó. Vào giữa thập niên 1960, tiếng hát Hà Thanh thường xuyên hiện diện trên các Đài phát thanh Sài Gòn, Quân Đội, Tự Do, trong các chương trình Đại nhạc hội… Bà rất nổi tiếng với những nhạc phẩm của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông như “Hàng hàng lớp lớp”, Chiều mưa biên giới…

Trong giới văn nghệ Sài Gòn trước 1975, có nhiều người yêu thích Hà Thanh. Nhà thơ Bùi Giáng từng làm nhiều thơ và viết sách ca ngợi nhan sắc của bà. Nhà văn Mai Thảo là một người rất si mê Hà Thanh, ông đã từng từ Sài Gòn ra Huế để xin cưới Hà Thanh. Năm 1970, Hà Thanh kết hôn với Trung tá Bùi Thế Dung của Binh chủng Thiết Giáp. Năm 1972, hai người có một con gái là Kim Huyền.

Sau năm 1975, Bùi Thế Dung phải đi tù. Năm 1984 Hà Thanh cùng con gái được gia đình bảo lãnh sang định cư tại miền Đông Hoa Kỳ. Năm 1990 vợ chồng Hà Thanh sum họp nhưng tan vỡ hai năm sau đó. Tại hải ngoại, Hà Thanh không trình diễn thường xuyên nhưng có xuất hiện một vài lần trên sân khấu của Thúy Nga Paris By Night và có thu âm một số CD.

Nói về giọng hát thiên phú của Hà Thanh đã có rất nhiều văn nhân, thi sĩ, nhạc sĩ… nhiệt thành khen tặng. Nhạc sĩ Văn Giảng (cũng ký tên là Thông Đạt, tác giả Ai Về Sông Tương…) đã cho rằng, Hà Thanh là một ca sĩ tiêu biểu của Huế. Chị có một giọng hát thanh tao, quý phái với mức thể hiện cường độ và trường độ âm thanh vừa vặn, diễn cảm tuyệt vời. Đặc biệt là những luyến láy mềm mại rất có hồn và gợi cảm trong tiếng ca. Luyến láy mà không làm điệu tới mức uốn lượn quanh co thành ra làm dáng trình diễn là nét độc đáo nhất trong tiếng ca Hà Thanh.
Khán giả ái mộ Hà Thanh liên tưởng đến nguồn Thiền đang tưới tẩm bản chất nghệ sĩ của chị khi chị xuất hiện gần đây trong các cuộc trình diễn và thu băng gây quỹ từ thiện, cũng như trong các chương trình nhạc hội Asia, Paris by Night với dáng vẻ trẻ trung, tươi mát như cả mấy mươi năm về trước.
Những ca khúc Hà Thanh hát nhạc Nguyễn Văn Đông cũng là ấn tượng đáng nhớ, có lẽ chính vậy mà trước đây Trung Tâm Paris By Night,từng mời và lo mọi thủ tục cho chương trình nhạc Nguyễn Văn Đông và bên cạnh có HàThanh … nhưng vì một số lý do nào đó khiến dự trù đáng quý này đã không thực hiện được…
Trong thế giới ca sĩ trẻ đang lên, Hà Thanh không bị chiếc cầu thế hệ ngăn cách; trái lại, chị đã làm cho khán giả ái mộ cảm động và thưởng thức giọng hát vẫn trong ngần, quý phái của chị trên nẻo về gần “thất thập cổ lai hy.”

Hà Thanh có một chỗ đứng riêng trong lịch sử tân nhạc Việt Nam và một vị trí độc sáng trong lòng người yêu nhạc xứ Huế.

LÊ XUÂN TRƯỜNG

Mời nghe youtube: Ca khúc “Hoa Xuân”, nhạc Phạm Duy qua tiếng hát Hà Thanh, trong không khí đón chào Xuân Giáp Ngọ, và cũng là những giây phút nhớ đến tiếng hát mượt mà tài danh Hà Thanh

Categories: Bài viết về Hà Thanh | Leave a comment

Phạm Anh Dũng- Hà Thanh, Môi Hồng Màu Hoa Đào

Hà Thanh, Môi Hồng Màu Hoa Đào

"…Ôi! Màu hoa đào như môi hồng, người mình yêu…" (Ai Lên Xứ Hoa Đào, nhạc và lời Hoàng Nguyên)

Còn hình ảnh nào dễ …yêu hơn?

Nghe Ai Lên Xứ Hoa Đào của nhạc sĩ Hoàng Nguyên do ca sĩ Hà Thanh hát, tôi đã ngẩn ngơ.

Cô bạn tôi, Hoàng Lan Chi viết bài Hà Thanh, Tiếng Hát Hoa Đào và trong bài không nhắc đến nhưng chắc có lẽ cũng vì bài hát này mà không biết.

Hà Thanh, Họa Mi Xứ Huế, với giọng hát đẹp, sang, trong sáng và truyền cảm, nổi tiếng với rất nhiều nhạc phẩm như từ Dòng Sông Xanh (nhạc Johann Strauss-lời Việt Phạm Duy), Khúc Tình Ca Xứ Huế (Trần Đình Quân), Đêm Đông (nhạc Nguyễn Văn Thương, lời Trần Kim Minh), Lời Mẹ Ru (Trịnh Công Sơn), Hoa Xuân (Phạm Duy) và nhất là các nhạc phẩm của Nguyễn Văn Đông… Quá nhiều không kể hết được.

Sau này Hà Thanh chỉ còn hát Thiền Ca kể cả các bản nhạc do chính Hà Thanh sáng tác.

Tôi chỉ biết và quý mến chị Hà Thanh qua giọng hát mà thôi.

Ngày 1/1/2014, được tin chị Hà Thanh qua đời, đúng ngày sinh nhật của chính tôi.

Ngày vui thành ngày buồn!

Vẫn còn đó, bài hát:

"…Ôi! Màu hoa đào như môi hồng, người mình yêu…" (Ai Lên Xứ Hoa Đào, nhạc và lời Hoàng Nguyên)

Còn hình ảnh nào dễ …yêu hơn?

Nghe Ai Lên Xứ Hoa Đào của nhạc sĩ Hoàng Nguyên do ca sĩ Hà Thanh hát, tôi vẫn ngẩn ngơ.

Phạm Anh Dũng

Tháng 1, 2014

Santa Maria, California, USA

Pha.m Anh Du~ng
http://my.opera.com/phamanhdung1/blog/

Categories: Bài viết về Hà Thanh | Leave a comment

Trúc Chi-về bài thơ Dòng Sông Xanh của Đông Hương

Về Một Bài Thơ Hoài Niệm Ca Sĩ Hà Thanh

Tin ca sĩ Hà Thanh giã biệt cõi phù sinh này đến với tôi qua một bài thơ. Tác giả là một người trong Nguyễn Phước tộc, một người theo tôi biết, sống để làm thơ và làm thơ để mà sống: Tôn Nữ Đông Hương. Tôi không nói ngoa mà cũng không cường điệu. Là vì trong mấy năm gần đây kể như tuần nào tôi cũng nhận được một hai bài của Đông Hương qua điện thư. Làm thơ mà nhiều và đều tay như vậy hiện nay trong làng thơ hải ngoại, tôi nghĩ chỉ có một cây bút khác bên phía nam là anh Trần Vấn Lệ.

Tôi nhận được bài thơ Dòng Sông Xanh của Đông Hương hôm 1/02/14, một ngày sau khi Hà Thanh qua đời. Đây là bài thơ nhắc đến tình yêu của một người thân của Đông Hương đối với Hà Thanh,. Mà hình như cũng là một chuyện tình dang dở. Một chuyện tình mang cái nghiệp muôn thủa của nội dung câu ca dao:

Tóc mai sợi ngắn sợi dài

Lấy nhau chẳng đặng thương hoài nghìn năm

Qua bài thơ, tôi được biết khuê danh của Hà Thanh là Lục Hà. Cũng không biết rõ chữ Hà trong Lục Hà có nghĩa là sông hay là sen. Nhưng mà Đông Hương đã tô thêm một nét đẹp cho cái tên Lục Hà khi diễn nôm thành Dòng Sông Xanh. Với người làm thơ, Đẹp là đủ rồi! Hoài Thanh đã từng nói Quách Tấn dùng điển sai trong bài Đêm Thu Nghe Quạ Kêu nhưng theo ông thì “điều ấy tưởng chẳng có quan hệ gì lắm.”

Kể, viết về một chuyện tình của người khác mà ngôn từ đưa lại một sức truyền cảm ở một độ cao như lời thơ của Đông Hương quả có hiếm: “Em triệu lần làm dậy sóng lòng anh.”Tôi nghĩ, chính người thơ cũng đã từng da diết lắm trong rung cảm riêng của mình mới có được cái tứ mãnh liệt như vậy.

Nhưng mà, chúng ta hãy lắng nghe Đông Hương, một thi tài của Huế, kể và sống với chuyện tình của hai người Huế bên dòng Hương khoảng thập niên 50/60 thế kỷ trước.

Viết tặng tiếng hát "Dòng sông xanh"(LỤC HÀ )( theo ý muốn một người đã từng thương yêu chị)

Để tưởng nhớ đến chị Lục Hà ( Hà Thanh ) đã thương em như một người em.

Kính mong hương hồn chị sẽ sớm về nơi cõi trời chỉ có màu xanh và hoa nở bốn mùa.

Gần cuối đời, mượn ngườì làm thi sĩ
Viết về em, tà áo lục anh thương
Không bên anh, em vẫn là tri kỷ
Mộng mơ đầu anh đứng nhớ sông Tương

Trăm thế kỷ tình còn ray rức mãi
Anh thường về ôm ánh nước sông Hương
Anh cúi mặt tìm trong giòng biếc ấy
Gọi tên người, nhâm nhi nỗi cô đơn

Tiếng liêu trai bổng trầm trên đỉnh mộng
Luôn tương tư kẻ ngày đó si tình
Anh nắn nót vẽ tên em bằng phấn
Trang giấy màu ghém gói nét yêu em

Viết giùm anh, thật hay, thiên sử cũ
Em triệu lần làm dậy sóng lòng anh
Tiếng hát em vỗ về anh giấc ngủ
Neo thuyền xưa đậu mãi bến sông xanh

Đông Hương

Categories: Bài viết về Hà Thanh | Leave a comment

Đông Hương-Gửi Giòng Sông Xanh

Gần cuối đời, mượn ngườì làm thi sĩ
Viết về em, tà áo lục anh thương
Không bên anh, em vẫn là tri kỷ
Mộng mơ đầu anh đứng nhớ sông Tương

Trăm thế kỷ tình còn ray rức mãi
Anh thường về ôm ánh nước sông Hương
Anh cúi mặt tìm trong giòng biếc ấy
Gọi tên người, nhâm nhi nỗi cô đơn

Tiếng liêu trai bổng trầm trên đỉnh mộng
Luôn tương tư kẻ ngày đó si tình
Anh nắn nót kẽ tên em bằng phấn
Trang giấy màu ghém gói nét yêu em

Viết giùm anh, thật hay, thiên sử cũ
Em triệu lần làm dậy sóng lòng anh
Tiếng hát em vỗ về anh giấc ngủ
Neo thuyền xưa đậu mãi bến sông xanh

Viết tặng tiếng hát "Dòng sông xanh"(LỤC HÀ )

của anh mình đã thương yêu chị cho đến bây giờ,

để tưởng nhớ đến chị Lục Hà ( Hà Thanh )

đã thương em như một người em .

Kính mong hương hồn chị sẽ sớm về nơi cõi trời .

Đông Hương

Categories: Bài viết về Hà Thanh | Leave a comment

Đặng Lệ Khánh-Thoáng Hương Trầm

Tiễn chị Lục Hà

Chị ơi chị lựa ngày thứ nhất

Của một năm để chị lại bắt đầu

Một đời khác không vấn vương còn mất

Tròn năm dài mùa chẳng đuổi theo nhau

Chị bắt đầu bằng tiếng kinh hướng dẫn

Bằng đôi chân êm nhẹ bước thong dong

Ở nơi đó đâu cần đèn nến thắp

Cả không gian đầy tiếng nhạc thanh trong

Ở nơi ấy có hoa thơm cành quý

Có con đường êm hơn lụa hà đông

Một ngày mới bắt đầu bằng giọng hót

Một loài chim với tên gọi Ka Lăng

Chị trút bỏ những sầu bi năm cũ

Như rũ buông một chiếc áo đã mòn

Chị khoác lên một tâm hồn tinh khiết

Và giọng cười vui như suối trên non

Chị đi thật khi một năm vừa chớm

Lời chúc nhau còn chưa tắt thanh âm

Em gói hết những lời người cầu nguyện

Gởi theo đây như một thoáng hương trầm

Đặng Lệ Khánh

Categories: Bài viết về Hà Thanh | 1 Comment

Cao Nguyên- Tiễn Hà Thanh

Khi nhận được tin chị Hà Thanh mất, tôi thật bàng hoàng vì lẽ tôi đã mất một người chị có quan hệ với gia đinh bên ngoại, mất đi một người bạn trong tình thân thi ca. Vì năm rồi, tôi có hân hạnh được điện đàm cùng chị mấy lần. Lại còn được nghe chị hát cho tôi nghe qua điện thoại . Đáp lại, tôi đã đọc thơ tôi cho chị nghe. Tôi như vẫn còn nghe giọng cười rất tươi của chị .

Trong tình tri âm đó, tôi đã viết vài dòng tiễn biệt chị:

Đang chờ Xuân . Nhận tin buồn
Người Ca Sĩ của quê hương đi rồi
Thân đi giã biệt cõi đời
Tâm còn lưu mãi tuyệt vời giọng ca!

Tiễn Hà Thanh về phương xa
Theo lời cầu nguyện với hoa sen này!

Đồng thời tôi mở 1 trang trên blog CLB/Hùng Sử Việt để tưởng nhớ đến chị, cũng để cho bằng hữu và thế hệ trẻ hiểu thêm về một người ca sĩ của quê hương, với tiếng hát mượt mà vượt thời gian .

Mời các anh chị xem ở đây: http://clbhungsuviet.blogspot.com/

Cao Nguyên

Categories: Bài viết về Hà Thanh | Leave a comment

Sư Cô Chân Không- Vài kỷ niệm với ca sĩ Hà Thanh

LGT: Hoàng Lan Chi xin lược bỏ đoạn tiểu sử chép từ Wikipedia.

Tại hải ngoại, năm 1988 Hà Thanh đã ghi tên theo Thiền Sư Thích Nhất Hạnh đi hành hương 3 tuần lễ ở Ấn Ðộ. Khi đoàn lên núi Linh Thứu, Hà Thanh xin được quy y lại với thiền sư và được cho pháp danh mới là Tâm Ca Lăng Tần Già, mặc dù cô đã được quy y Phật hồi bé ở Huế.

Kinh A Di Ðà kể rằng ở cõi Tịnh Ðộ mỗi lần chim Ca Lăng Tần Già hót lên thì người nghe khởi chánh niệm, tiếp xúc ngay với Bụt, Pháp và Tăng của tự thân, và ý thức rằng mình đang ở cõi Tịnh Ðộ. Ca Lăng Tần Già Hà Thanh cũng vậy, cô đã làm đúng như lời thầy mong ước, cô chỉ trình diễn trong những đại hội Phật Giáo, những đại nhạc hội lạc quyên giúp thuyền nhân ở các trại tị nạn, giúp cứu trợ nạn nhân lũ lụt ở quê nhà, hay góp phần xây ngôi thiền đường này, hoặc ngôi bảo tự kia… Tiếng hát cô bây giờ là hát vì mọi người, đem niềm vui cho người giúp người bớt khổ, cô không còn hát cho riêng mình. Ðiều quan trọng là cô chỉ hát những bài nhạc đạo giúp người ta tu tập, đúng như điều thầy của cô, Thiền Sư Nhất Hạnh khi đặt tên cho cô và mong ước mỗi lần cô cất tiếng hát là thính giả lại được tiếp xúc với Bụt, Pháp, Tăng của tự thân và phát khởi chánh niệm.

Năm 1990 Hà Thanh có đến thiền đường Hoa Quỳnh của Làng Mai tại Paris, tập hát với nhạc sĩ Chí Tâm và sư cô Chân Không một số bài nhạc Phật Giáo mà thầy mới sáng tác. Hôm sau, tại nhà hát lớn Palais de la Mutualité trước 2,200 người Việt Nam cô đã trình diễn bài Ý Thức Em Mặt Trời Tỏ Rạng của Thiền Sư Nhất Hạnh và bài Hải Triều Âm của nhạc sĩ Bửu Bác sáng tác. Giọng hát của Hà Thanh rất trong, rất thanh và khi cất lên cao vút thì lại thật ấm và ngọt ngào, tỏa lan… ngân xa như những tiếng chuông hay nhất xứ Huế.

Suốt trong những năm 1990 đến 2000 khi Việt Nam còn cấm đoán nhạc vàng, Phật tử hay chuyền nhau những băng cassette pháp thoại của thầy và rất ngạc nhiên thích thú được nghe Hà Thanh hát những bài như Quay Về Nương Tựa, Tiếng Chuông Chùa Cổ, Ba Sự Quay Về, Ðây Là Tịnh Ðộ, Ý Thức Em Mặt Trời Tỏ Rạng, Cẩn Trọng, Trầm Hương Ðốt, trước và sau các bài giảng.

Năm 1997 Tâm Ca Lăng Tần Già Trần Thị Lục Hà – Hà Thanh tiếp thọ 14 giới Tiếp Hiện với pháp hiệu là Chân Hỷ Ca.

Trong một buổi pháp thoại cho đồng bào ở Hoa Kỳ, Thiền Sư Nhất Hạnh có đọc cho thính chúng nghe bài thơ của thầy Bên Mé Rừng Ðã Nở Rộ Hoa Mai. Khi nghe lần đầu câu “Thầy đi tìm con, từ lúc non sông còn tăm tối…” cô đã khóc và đã quyết tâm phổ nhạc bài này với những nốt nhạc rất dân tộc, rất Việt Nam và đã nhiều lần đến hát cho tăng thân Làng Mai nghe, và đã hát cho tăng thân nghe bài Bên Mé Rừng Ðã Nở Rộ Hoa Mai, do chính cô phổ nhạc thật tuyệt vời, nhiều thiền sinh có mặt ở khóa tu hôm đó đã khóc vì cảm động và hạnh phúc.

Năm 2011, Hà Thanh báo tin cô bị bệnh dư hồng huyết cầu, nhờ trị bệnh này đã bảy tám năm nên bác sĩ đã giúp cô làm chủ được tình hình sức khỏe. Như mọi khi, cô rất vui mừng mỗi khi nghe thầy ghé qua miền Ðông Hoa Kỳ và vẫn tiếp tục sẵn sàng ngồi xe đi hơn 5 giờ đến thăm thầy ở Tu Viện Bích Nham của Làng Mai ở tiểu bang New York. Cô đã mang tặng thầy cái CD chót mà Hà Thanh mới đặt nhạc mới bài Sám Hối (thi kệ của Thầy Nhất Hạnh) mà cô mới viết nhạc lại (không phải nhạc của Anh Việt) trong đó Hà Thanh lại thêm đoạn Thất Phật Diệt Tội Chơn Ngôn, rất “ăn khách” nhất là khi Hà Thanh cất giọng lên như những tiếng chuông khánh thanh tao nhất của nhà chùa!

Mới cách đây hơn hai tháng, ngày 14 và 15 Tháng Chín, 2013, Hà Thanh có đến tận Boston Park Plaza Hotel, chỗ mà thiền sư đang hướng dẫn một khóa tu hai ngày cho 1,120 bác sĩ y khoa và tâm lý trị liệu do Ðại Học Harvard tổ chức để hát cho thầy nghe bài Bên Mé Rừng Ðã Nở Rộ Hoa Mai một lần nữa. Các sư em tôi không ngờ đó là lần chót Hà Thanh hát cho thầy và tăng thân nghe. Nhưng tôi thì vẫn đang còn nghe vẳng vẳng ngay lúc này đây, cái giọng ngọt ngào ấy, trong như những giọt sương mai long lanh, đầm ấm mà từ bi như tiếng chuông ngân xa, ngân xa… thật xa biến cõi buồn phiền thành tịnh độ.

Lá la là la lá… lá la là la lá… Lá la là la lá… lá la là la lá… la la… là la…

“Qua ngõ vắng, lá rụng đầy, tôi theo con đường nhỏ, đất hồng như môi son bé thơ… Bỗng nhiên tôi cẩn trọng, từng bước chân đi…” Tiếng hát ấy của Hà Thanh như những giọt lưu ly đang tung tăng reo vui, reo vui trong cõi tịnh độ bây giờ và ở đây với chúng ta ngay giây phút này.

Categories: Bài viết về Hà Thanh | Leave a comment

Trần Huy Sao-Đâu Còn Dòng Sông Xanh Lục, Hà Thanh

ĐÂU CÒN DÒNG SÔNG XANH LỤC, HÀ THANH !

chị đi mô rứa chị Hà
bỏ quê chừ lại bỏ nhà mà đi
vậy là nói tới chia ly
nước non ngàn dặm người đi không về
chị làm Huế khóc rồi nghe
sông Hương núi Ngự buồn tê điếng lòng
rứa là Liễu Hạ bên sông
từ nay mô chộ được o Lục Hà
hồi còn ở với quê nhà
nghe o mô hát mà da diết tình
giọng o như Huế tự tình
khiến cho mình cũng giựt mình sướng rêm
ai làm dáng Huế duyên thêm
mà nay ai nỡ bỏ quên lối về
chị đi chi vội rứa hè !…

02/01/2014
TRẦN HUY SAO

Categories: Bài viết về Hà Thanh | Leave a comment

Ngô Phủ- Kính Chúc Tâm Từ Anh Linh Siêu Thoát

THÀNH KÍNH PHÂN-ƯU

KÍNH tiễn bà TRẦN-THỊ LỤC-HÀ.

CHÚC người ca-sĩ bậc tài hoa.

TÂM tang khôn giấu hồn thơ khóc.

TỪ biểu khó che ngấn lệ nhòa.

ANH khí Chuẫn-Đề ra đón tước.

LINH hồn Tiếp-Dẫn đến mời qua.

SIÊU sinh tịnh-độ về chầu Phật,

THOÁT tục xa rời cõi giới ba.

TDT, JAN-02-14

Ngô-Phủ

Categories: Bài viết về Hà Thanh | Leave a comment

Tố Nguyên-Thương Tiếc Hà Thanh

vừa mất Hà Thanh ! bạn hữu ơi

danh ca xứ Huế khuất đi rồi

nào đâu thân liễu vàng kim nữa

chỉ thấy băng phim ảo để đời

tuyệt quá lời êm đềm lượn gió

ngọt nồng giọng thánh thót đầm hơi

từ nay lưu lại trong “you tube”

nhớ tiếc mãi Nàng dạ khó nguôi .

Tố Nguyên

Categories: Bài viết về Hà Thanh | Leave a comment

Create a free website or blog at WordPress.com.