Monthly Archives: January 2014

Tiểu Sử Hà Thanh

TIỂU SỬ CA SĨ HÀ THANH
(1937-2014)

THÂN THẾ

Tên thật: Trần Thị Lục Hà

Sinh ngày: 25-7-1937 tại làng An Đô, quận Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế. An Đô là quê ngoại và gia đình có một trang trại lớn ở chân núi Trường Sơn. Hà Thanh đã “lọt lòng” khi thân mẫu đang thăm trang trại. Thân phụ là một giáo thụ túc Nho đã trích ra từ câu “Hạ thưởng Lục Hà trì – mùa Hạ ngắm hồ hoa súng” trong bài ngũ ngôn tứ tuyệt Tứ Thời của thi hào Thôi Hiệu để đặt tên.

Thiếu thời, trước khi lên Huế học, Hà Thanh đã sống trong trang trại của gia đình. Khung cảnh điền dã cạnh chân núi Trường Sơn đã un đúc phong cách sống hài hòa, giản dị và tinh thần nghệ sĩ của Hà Thanh.

Hà Thanh xuất thân từ một gia đình theo đạo Phật thuần thành, quy y với Hòa thượng Thích Tịnh Khiết với Pháp danh Tâm Tú và tham gia sinh hoạt Gia đình Phật Tử Hương Từ tại Huế.

Thân phụ: Trần Kiêm Phổ

Thân mẫu: Nguyễn Thị Cảnh

Nguyên quán: Làng Liễu Cốc Hạ, quận Hương Trà, Tỉnh Thừa Thiên – Huế. Con thứ tư trong gia đình có 10 anh chị em.

Chồng: Bùi Thế Dung. Kết hôn năm 1970.

Con cháu: con gái Bùi Trần Kim Huyên và 2 cháu ngoại.

Mất ngày: 1-1-2014 tại Boston, tiểu bang Massachusetts, Hoa Kỳ. Phút cuối Hà Thanh ra đi trong tiếng hộ niệm của chư Ni và sự có mặt đông đủ của gia đình.

SỰ NGHIỆP:

– Từ thời còn đi học trường Đồng Khánh, Hà Thanh tham gia ban nhạc Gió Mới hát trong chương trình Tiếng nói học sinh Quốc Học – Đồng Khánh trên đài phát thanh Huế.

– Năm 1953, trong cuộc Tuyển lựa Ca sĩ của Đài phát thanh Huế, Hà Thanh chiếm giải nhất với sáu nhạc phẩm rất khó. Trong đó có bài Dòng Sông Xanh (Le Beau Danube). Uyển danh Hà Thanh qua ý niệm Dòng Sông Xanh bắt đầu từ đó. Tuy có giọng hát thiên phú được ái mộ nồng nhiệt, nhưng tài năng của Hà Thanh bị giới hạn trong mảnh đất Cố Đô Huế vì sự nghiêm khắc của thân phụ và lễ giáo truyền thống của gia đình.

– Năm 1963, Hà Thanh vào Sài Gòn và bắt đầu hát ở đài phát thanh Sài Gòn, Quân Đội, Tự Do và ban nhạc Tiếng Tơ Đồng, Tiếng Thời Gian. Cùng thời, được các hãng đĩa, băng nhạc mời cộng tác thu thanh như: Sóng Nhạc, Việt Nam, Tân Thanh, Tứ Hải, Continental và Sơn Ca; nhưng không bao giờ hát ở phòng trà.

– Trước năm 1975, Hà Thanh đã nhiều lần tham gia vào các đoàn văn nghệ Việt Nam diễn ở châu Âu và Lào.

– Năm 1984, Hà Thanh sang định cư tại Hoa Kỳ. Tại đây, Hà Thanh tham gia trình diễn trong một số các chương trình văn nghệ nhưng không thường xuyên; trọng tâm là những sinh hoạt văn nghệ đặt nặng tính chất văn hóa, ái hữu và từ thiện.

– Đặc biệt là trong vòng thập niên cuối đời, Hà Thanh đã dồn hết tâm lực và tài hoa vào các chương trình và băng đĩa Phật đạo ca.

– Hà Thanh có thiên khiếu đặc biệt về âm nhạc: Đã phổ nhạc bài Sám Hối (lời Thích Nhất Hạnh), Dâng Mẹ (lời Thích Nữ Như Minh), Bên Rừng Nở Rộ Hoa Mai (lời Thích Nhất Hạnh), Kinh Chiều (ý nhạc Thích Trường Khánh).

Hà Thanh ra đi, để lại một dấu ấn nghệ thuật rất độc đáo trong lĩnh vực tân nhạc Việt Nam. Ngoài sự phong phú của băng đĩa, sản phẩm âm nhạc thu thanh tiếng hát tuyệt vời, Hà Thanh còn để lại hình ảnh hiếu thuận và tiết nghĩa của người nghệ sĩ trong quan hệ gia đình, xã hội, văn nghệ và Phật giáo Việt Nam.

Nói đến thân thế và sự nghiệp của người nghệ sĩ thường được ví như xem ống kính vạn hoa. Nghĩa là mỗi thời điểm, mỗi góc nhìn, mỗi tầm cảm nhận, mỗi tâm hồn trải nghiệm… đều có mỗi cách nhìn khác nhau. Bởi vậy, khi nhớ đến chị Hà Thanh trong giờ phút tưởng niệm nầy, tôi chỉ có đôi dòng cảm niệm tiễn biệt chị. Tiễn biệt mà không vĩnh biệt vì trên con đường sinh tử luân hồi, khi cầu nguyện cho hương hồn người vừa quá vãng được an nhiên vãng sanh về xứ Phật, người Phật tử nào cũng nghĩ về miền Cực Lạc như là một vùng đất hứa. Sự chia ly và hội ngộ cũng tương hội và gần gũi như mắt nhắm, mắt mở trên cùng một vầng trán trí tuệ, một khuôn mặt từ bi. Và Thiên Đường hay Cực Lạc chẳng ở đâu xa. Đó chỉ là trạng thái rỗng lặng của tâm khi không còn dính mắc. Xin tiễn biệt chị Hà Thanh ra đi cũng là trở về với chân tâm rỗng lặng.

Sacramento, ngày 5-1-2014
Trần Kiêm Đoàn

Categories: Tiểu Sử Hà Thanh | Leave a comment

Vài hình ảnh tang lễ Hà Thanh

Nguồn: art2all.net

TƯỞNG NIỆM CA SĨ HÀ THANH

HÌNH ẢNH LỄ CẦU SIÊU

Ca sĩ HÀ THANH

TRẦN THỊ LỤC HÀ

Pháp danh: Tâm Tú


Sinh ngày 25 tháng 7, 1937 – Huế – Thừa Thiên
Mất ngày 1 tháng 1, 2014 – Dương lịch – lúc 7:30 tối giờ Boston

Tại chùa Việt Nam, Boston, 12 tháng 1, 2014

causieu_chuavietnam_boston1r.jpg

Tại chùa Từ Đàm, Huế, 12 tháng 1, 2014

causieu_tudam_12jan14.jpg

Tại chùa Già Lam, Saigon, 12 tháng 1, 2014

causieu_gialam_12jan14.jpg

Tại chùa Thiền Quang, Midway City, CA, 5 tháng 1, 2014

causieu_thienquang.jpg

Tại chùa Hoa Nghiêm, Virginia, 5 tháng 1, 2014

causieu_hoanghiem_r.jpg

Categories: Tang Lễ Hà Thanh | Leave a comment

Trần Trung Đạo-Lễ Tưởng Niệm Nữ Danh Ca Hà Thanh tại B oston 12-1-2014

Nguồn: http://nguoivietboston.com/?p=21063

Trần Trung Đạo: Lễ Tưởng Niệm Nữ Danh Ca Hà Thanh tại Boston 12-1-2014

Vừa mở cửa bước vào chùa đã nghe giọng ca của chị Hà Thanh. Giọng ca quen thuộc đó vang lên trong chánh điện chùa Phật Giáo Việt Nam ở Roselindale, Massachusetts, mỗi chủ nhật, ngày vía, ngày đại lễ suốt 20 năm qua. Nếu không có hai vòng hoa và tấm ảnh chị trên bàn thờ đơn giản và trang nghiêm thật khó tin rằng chị đã đi xa và buổi lễ hôm nay là Lễ Tưởng Niệm Ca Sĩ Hà Thanh.

Vào những ngày như thế, trong khi chờ đợi lễ bắt đầu, đồng bào Phật Tử thường được nghe chị Hà Thanh hát những bài đạo ca từ giàn máy của chùa. Nếu không phải Thăm lại chùa xưa thì là Tâm sự những người cài hoa trắng. Nếu không phải Nhành dương cứu khổ thì cũng Từ Đàm quê hương tôi hay những bài đạo ca tương tự. Và hôm nay cũng không khác mọi ngày. Vẫn giọng ca ngọt ngào như giòng suối, vẫn không khí đầy ắp đạo tình, vẫn bóng dáng chiếc áo dài lam chị thường mặc. Tất cả như vẫn còn đâu đây, nhưng chị đã đi xa.

Chị Hà Thanh từ giã thế gian lúc 7:30 tối ngày 1 tháng 1, 2014. Chị bị ung thư máu nhưng theo tin tức từ gia đình chị không bị đau đớn gì ngoại trừ khi tỉnh khi mê trong ngày cuối cùng. Tang lễ của chị được thực hiện một cách riêng tư theo ý nguyện của chị nhưng lễ cầu siêu và tưởng niệm chị mở rộng cho đại chúng được tổ chức tại chùa Việt Nam sáng 12 tháng 1, 2014.

Hòa thượng Thích Nguyên Hạnh bắt đầu buổi lễ bằng lời an ủi Kim Huyên và gia đình đừng buồn khổ trước sự ra đi của chị Hà Thanh. Không có mất mát nào lớn lao hơn là mất đi một người mẹ với “chín tháng cưu mang”, “ba năm nhũ bộ”, “bên ráo con ngủ bên ướt mẹ nằm”, vâng, nhưng vạn vật vốn vô thường. Có sinh sẽ có diệt. Con người được sinh ra, lớn lên, được nuôi dưỡng bằng vật chất và một ngày sẽ tàn rụi như mọi vật chất trên thế gian này. Từ cỏ cây, hoa lá cho đến con người đều không thoát ra khỏi sinh, trụ, dị, diệt.

Ai cũng đến cuộc đời bằng tiếng khóc nhưng mỗi người có một cách để ra đi. Điểm khác nhau đó chính là sự tu tập, cách sống, giải trừ vô minh phiền não, lấy lòng từ bi làm gốc cho đời sống của mình. Chị Hà Thanh đã sống trọn vẹn với đại từ bi tâm đó và hôm nay chị đang ra đi trong thảnh thơi, nhẹ nhàng.

Mặc dù khá nhiều vị phát biểu nhưng chương trình không vì thế trở thành nặng nề. Hòa thượng Viện chủ Trung tâm Phật Giáo Việt Nam tại Houston Thích Nguyên Hạnh nhắc lại những nhân duyên giữa thầy và chị Hà Thanh. Không một lần nào thầy ghé chùa mà thiếu vắng chị đến vấn an. Một lần nữa Hòa thượng tán dương tâm từ bi sâu rộng của Phật tử Tâm Tú Trần Thị Lục Hà. Không một công việc nào mang lợi lạc cho người khác mà thiếu vắng chị dù nhiều khi phải đến tận các nơi xa.

Chị Phương Thảo, em gái của chị Hà Thanh đọc tiểu sử của chị Hà Thanh. Phần lớn chi tiết về cuộc đời của nữ ca sĩ tài danh trong âm nhạc Việt Nam đã được các nhà văn viết và báo chí đăng tải ngoại trừ một vài chi tiết nhỏ như việc chị bắt đầu hành trình ca hát ở tuổi 16, năm 1953, với nhạc phẩm Dòng Sông Xanh chứ không phải 1955 như vài nguồn tin và chị sinh ra trong một trang trại gia đình ở chân núi Trường Sơn.

Đại Đức Thích Chánh Trí, Hội trưởng Hội Phật Giáo chùa Việt Nam nhắc đến chị Hà Thanh như một Phật tử gương mẫu gắn bó với chùa hơn 20 năm “Đạo hữu, dù nỗi tiếng hơn người, nhưng vẫn luôn luôn khiêm tốn, hiền hòa, vui vẻ. Tâm thành kính Phật, trọng Tăng luôn thể hiện trên đôi tay và ánh mắt”.

Ông bà Bác sĩ Trần Đoàn đến từ Virginia chia sẻ cảm tưởng và đặc biệt bà Trần Đoàn đã hát tặng chị Hà Thanh một khúc đạo ca thật cảm động.

Ca sĩ Hoàng Vân, một trong những ca sĩ kỳ cựu của vùng New England và là một người em văn nghệ của chị Hà Thanh, nhắc lại những kỷ niệm trong những lần hai chị em đi hát thiện nguyện cho các chùa, các buổi gây quỹ từ Philadelphia sang Toronto rồi Montreal. Anh nói “Mới mùa Vu Lan năm nào, cũng ở tại chánh điện ngôi chùa này, hai chị em đã cùng song ca nhạc phẩm Bông Hồng Cài Áo và Tâm Sự Người Cài Hoa Trắng vậy mà hôm nay chị đă vĩnh viễn ra đi. Tết năm nay và mãi mãi về sau, chùa sẽ vắng hẳn tiếng ca thánh thót quen thuộc, nụ cười tươi tắn, và lời chào hỏi thân tình của chị”.

Giáo sư Tạ Văn Tài, em rễ chị Hà Thanh, thay mặt Đại Gia Đình đọc lời Từ biệt ca sĩ Hà Thanh “Chị Hà biết không? Một cư sĩ trí thức Phật giáo tại Âu châu, mà gia đình nhờ tìm email của chùa Từ Đàm, Huế, để gia đình gửi lời cảm ơn về lễ cầu siêu đã tổ chức cho chị ở bên đó, nghe chuyện kể là lúc còn nhỏ, vào lúc thăm Thày Thích Tịnh Khiết tại chùa Tường Vân , thầy tụng kinh, con rùa nhỏ ở hang đá núi non bộ chui ra, chị Hà cúi xuống hát cho nó nghe, và nó đi gần ra thêm mà nhìn và nghe chị, thì cư sĩ đó nói là “con rùa là fan của chị đấy, cũng như Thày Trụ Trì Chùa Từ Đàm hiện nay, tức Thày Haỉ Ấn, đã làm lễ cho chị, cũng là fan của chị“.

Hôm 12 tháng 1, thầy Hải Ấn đã trang trọng tổ chức lễ cầu siêu và tưởng nhớ chị Hà Thanh tại chùa Từ Đàm, Huế và trước đó một ngày tại chùa Già Lam, Sài Gòn, lễ cầu siêu cho hương linh chị cũng được trang nghiêm tổ chức.

Chị Nguyên Tịnh Nguyễn Thị Bích thay mặt chùa và tang gia để cám ơn chư tôn đức tăng, ni đã quang lâm về chùa chứng minh cho buổi lễ và cám ơn đến các tôn giáo bạn, các tổ chức, đoàn thể trong cộng đồng, các văn nghệ sĩ, các cơ quan truyền thông báo chí, thân hữu xa gần đã tham dự hay gởi lời chia buồn đến gia đình.

Nhìn mấy trăm đồng hương gồm đại diện cộng đồng, đoàn thể, văn nghệ sĩ và thân hữu, cùng vân tập về chùa để tưởng nhớ chị Hà Thanh trong ngày đông giá rét đủ để thấy tình cảm đồng hương dành cho chị sâu đậm đến dường nào.

Nhiều đồng hương phải đứng dọc hành lang và ngay cả ngoài hiên rét mướt. Nhiều thân hữu ở rất xa không đến được đã gởi email, gọi điện thoại. Những bài viết của các nhà văn, ca sĩ, nhạc sĩ được phổ biến trên các diễn đàn, trong facebook, trong các mạng internet khắp thế giới. Chùa khá nhỏ nhưng lòng người rất rộng. Nhiều đồng hương tuy không phải là Phật Tử đã ngồi im lặng cúi đầu lắng nghe suốt gần hai tiếng đồng hồ. Bởi vì, tất cả đều có cùng một niềm tin như chị Hà Thanh, niềm tin vào giá trị Chân Thiện Mỹ.

Dù là “Phước cho người đầy lòng thương, vì sẽ được thương xót” trong bài giảng theo Phúc âm Matthew của Chúa Jesus hay “Từ Bi gieo cùng khắp, cả thế gian khổ hải” trong Kinh Từ Bi từ bộ Sutta Nipata của Phật Thích Ca Mâu Ni đều nhắc nhở con người phải sống trong tinh thần hướng thiện và gieo rắc hạt giống từ bi bác ái trong mỗi bước mình đi. Đời là cõi tạm. Ai cũng biết điều đó nhưng biết và sống nhiều khi là hai chuyện khác nhau. Chị Hà Thanh biết và đã sống một cách hợp nhất bằng hạnh nguyện giúp người và cứu đời.

Giọng chị Hà Thanh êm như tơ, nhẹ nhàng như suối. Dường như tất cả văn nghệ sĩ và phê bình âm nhạc đều nhận xét giống nhau như thế. Vâng, nhưng trong lịch sử âm nhạc nhiều tiếng hát có thể êm ái hơn, nhẹ nhàng hơn đã chìm vào quên lãng, không còn ai nhắc nhở. Chị Hà Thanh thì khác. Chị sẽ còn mãi mãi, bởi vì chị không chỉ để lại cho đời một tiếng hát mà còn là cách sống giản dị, thanh bạch, đạo hạnh, từ bi.

Chị không cô độc như một số người nhận xét. Chị không tìm quên những oan trái của cuộc đời trong câu kinh tiếng kệ như vài người lầm tưởng. Từ khi còn là một oanh vũ trong Gia đình Phật tử Hương Từ, Huế, thọ ngũ giới ở Tổ Đình Tường Vân và được Đức Tăng Thống ban pháp danh Tâm Tú cho đến đầu năm nay, chị Hà Thanh sống trên 70 năm tích cực trong tinh thần Phật Giáo.

Chị không hát vì nhu cầu cơm áo hay hát để tồn tại trong một hoàn cảnh khắt khe, cay nghiệt. Cuốn băng duy nhất được thu bằng máy cassette và phổ biến một cách kín đáo sau 1975 ở Huế là cuốn băng đạo ca Phật Giáo. Giữa một cố đô chìm trong lửa đỏ hận thù, tiếng hát của chị như những giọt nước tình thương nhỏ xuống vết thương đau nhức mà cả dân tộc Việt Nam đang chịu đựng. Nhiều năm dài chị im lặng và im lặng là một cách nói, một thái độ, một chọn lựa mà không phải ai cũng có thể làm được. Thật từ bi và vô úy biết bao nhiêu !.

Từ những nhạc phẩm hát về người lính VNCH như Phiên gát đêm xuân, Một chuyến bay đêm cho đến những bài tình ca của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông hay đạo ca sâu sắc tính thiền như Chân nguyên, Sám hối, chị đều hát bằng trái tim rung cảm chân thành. Tuy nhiên, có một bài hát mà khi giọng chị cất lên tất cả Phật tử đều chắp tay hướng về Tam Bảo, đó là bài Trầm Hương Đốt.

Trầm hương đốt xông ngát mười phương.
Nguyện nguyện kính Đức Nghiêm từ vô lượng
Cầu cầu xin chứng tâm thành chúng con
Vần vần khói kết mây lành cúng dường
Đạo nhiệm mầu đã lan truyền nơi cùng nơi
Nhờ chân lý chúng sanh đều thoát luân hồi…

Thật vậy, nhờ quá trình tu tập, chị đã tạo được một nhân duyên hằng cữu theo từng bước chân của Phật Giáo Việt Nam, hôm nay và mãi mãi về sau, ở Việt Nam, ở Mỹ và khắp thế giới. Chủ nhật này các chùa ở Boston, ở Huế, ở Bồ Đề Đạo Tràng Ấn Độ và nhiều nơi khác, bài Trầm Hương Đốt của nhạc sĩ Bửu Bác qua giọng ca chị Hà Thanh được xem như là một phần của nghi lễ. Vì bài hát cũng là phần kết thúc buổi lễ Phật Giáo nên khi ra về ai cũng sẽ mang theo âm vọng Hà Thanh và cũng thấy lòng mình nhẹ nhàng, thanh thoát.

Sáng hôm nay ở chùa Việt Nam Massachusetts, chị Hà Thanh không còn là ca sĩ Hà Thanh nữa. Chị Hà Thanh đang chèo thuyền trên dòng sông, không phải Dòng Sông Xanh của Johann Strauss II hay sông Hương của Huế thân yêu mà dòng sông trăng Tịnh Độ của cõi Phật Di Đà, và chị cũng không quên đáp lễ mỗi người tham dự buổi tiễn đưa chị bằng một nụ cười an nhiên, khiêm tốn kèm theo lời nhắn gởi, hãy sống bằng hạnh từ bi để rồi chúng ta sẽ gặp lại nhau ở một nơi từ bi là vĩnh cửu.

Trần Trung Đạo

Categories: Tang Lễ Hà Thanh | Leave a comment

Lê Xuân Trường- Hà Thanh: tiếng hát đầy ắp kỷ niệm của miền sông Hương núi Ngự

Hà Thanh: tiếng hát đầy ắp kỷ niệm của miền sông Hương núi Ngự,

Giữa không khí chuẩn bị đón mùa Xuân, làm nhớ lại những ca khúc tình cảm thời trước 1975, như “Hoa Xuân”, “Phiên Gác Đêm Xuân”, ” Sắc Hoa Mầu Nhớ”, nhẹ nhàng trữ tình, cũng là lúc kho tàng âm nhạc trước 75, lần lượt mất một nhạc sĩ gạo cội, Huỳnh Anh, và một ca sĩ đáng mến trước 1975: Ca sĩ Hà Thanh đã vĩnh viễn ra đi lúc 4 giờ 27 phút chiều (giờ miền Đông) ngày 1 tháng 1 năm 2014. Mãn phần tại thành phố Boston Massachusett, nơi cô cư ngụ hưởng thọ 77 tuổi sau vài năm chống trả với căn bệnh ung thư…

Hà Thanh tên thật là Trần Thị Lục Hà, sinh ở Liễu Cốc Hạ, huyện Hương Trà, Thừa Thiên Huế. Bà là con thứ tư trong một gia đình gia giáo có mười anh chị em mà không một người nào đi theo con đường văn nghệ, ngoài một người anh tỏ ra khuyến khích bà khi nhận thấy cô em mình có biệt tài ca hát. Là một người theo đạo Phật, ngày nhỏ Lục Hà theo học Trường Nữ Trung học Đồng Khánh và đã hát trong chương trình Tiếng Nói Học Sinh Quốc Học – Đồng Khánh trên Đài phát thanh Huế.

Đời nghệ sĩ của Hà Thanh bắt đầu từ năm 1953, lần đầu đài Phát Thanh Huế mở một cuộc tuyển lựa ca sĩ với quy mô lớn. Anh Trần Kiêm Tịnh biết cô em gái mình có giọng hát hay quá nên đã dắt em đi thi. Điều kiện ghi danh dự thi là phải từ 15 tuổi trở lên.

Ngày đó, Lục Hà, cô nữ sinh áo trắng nón bài thơ Huế mới 14 tuổi, nên phải “kiếm thêm một tuổi trời cho” nữa mới đủ tuổi dự thi và kết quả đứng đầu cuộc thi. Tuy ông cụ thân sinh chị Hà Thanh là người theo Tây học với tinh thần cởi mở phương Tây, nhưng “phương Tây Huế” thuở đó cũng vẫn còn trong mẫu mực nho phong. Nhạc sĩ Ngô Ganh là giám đốc đài phát thanh Huế đương thời, phải dùng uy tín của mình đến nhà năn nỉ, rằng: “Học hành thì đứa nào học chẳng được, nhưng còn cái tài của cháu Hà Thanh là một tài năng độc đáo, có giá trị trong cả nước Việt Nam. Nếu không cho đi hát thì tài năng sẽ bị mai một đi, uổng lắm.” Ông cụ nghe lời minh giải hợp lý nên cho đi hát ở đài phát thanh mà thôi, không hát ở phòng trà hay sân khấu. Từ đó, tiếng hát Hà Thanh đã vọng ra xa hơn bên ngoài rào dậu Vườn Thúy Hạnh. Người ta vừa thưởng thức giọng hát thanh thoát, mượt mà (uyển thanh) như tiếng sông Hương đang lên của Hà Thanh; nhưng đồng thời cũng vừa quan sát nàng ca sĩ xứ Huế đó như một hiện tượng.Hà Thanh đạt giải nhất với sáu nhạc phẩm rất khó, trong đó có bài “Dòng Sông Xanh”, và tên bài hát đó đã trở thành nghệ danh của cô: Hà Thanh.

Hà Thanh tiếp tục học và có đi hát cho Đài phát thanh Huế.

Năm 1963, trong chuyến vào thăm Sài Gòn, Hà Thanh đã được các trung tâm đĩa nhạc Continental, Tân Thanh, Sóng Nhạc, Asia, Việt Nam mời thu thanh nhiều nhạc phẩm. Năm 1965, Hà Thanh chính thức gia nhập sinh hoạt ca nhạc ở Sài Gòn. Bà trở thành một trong những giọng ca hàng đầu của Sài Gòn khi đó. Vào giữa thập niên 1960, tiếng hát Hà Thanh thường xuyên hiện diện trên các Đài phát thanh Sài Gòn, Quân Đội, Tự Do, trong các chương trình Đại nhạc hội… Bà rất nổi tiếng với những nhạc phẩm của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông như “Hàng hàng lớp lớp”, Chiều mưa biên giới…

Trong giới văn nghệ Sài Gòn trước 1975, có nhiều người yêu thích Hà Thanh. Nhà thơ Bùi Giáng từng làm nhiều thơ và viết sách ca ngợi nhan sắc của bà. Nhà văn Mai Thảo là một người rất si mê Hà Thanh, ông đã từng từ Sài Gòn ra Huế để xin cưới Hà Thanh. Năm 1970, Hà Thanh kết hôn với Trung tá Bùi Thế Dung của Binh chủng Thiết Giáp. Năm 1972, hai người có một con gái là Kim Huyền.

Sau năm 1975, Bùi Thế Dung phải đi tù. Năm 1984 Hà Thanh cùng con gái được gia đình bảo lãnh sang định cư tại miền Đông Hoa Kỳ. Năm 1990 vợ chồng Hà Thanh sum họp nhưng tan vỡ hai năm sau đó. Tại hải ngoại, Hà Thanh không trình diễn thường xuyên nhưng có xuất hiện một vài lần trên sân khấu của Thúy Nga Paris By Night và có thu âm một số CD.

Nói về giọng hát thiên phú của Hà Thanh đã có rất nhiều văn nhân, thi sĩ, nhạc sĩ… nhiệt thành khen tặng. Nhạc sĩ Văn Giảng (cũng ký tên là Thông Đạt, tác giả Ai Về Sông Tương…) đã cho rằng, Hà Thanh là một ca sĩ tiêu biểu của Huế. Chị có một giọng hát thanh tao, quý phái với mức thể hiện cường độ và trường độ âm thanh vừa vặn, diễn cảm tuyệt vời. Đặc biệt là những luyến láy mềm mại rất có hồn và gợi cảm trong tiếng ca. Luyến láy mà không làm điệu tới mức uốn lượn quanh co thành ra làm dáng trình diễn là nét độc đáo nhất trong tiếng ca Hà Thanh.
Khán giả ái mộ Hà Thanh liên tưởng đến nguồn Thiền đang tưới tẩm bản chất nghệ sĩ của chị khi chị xuất hiện gần đây trong các cuộc trình diễn và thu băng gây quỹ từ thiện, cũng như trong các chương trình nhạc hội Asia, Paris by Night với dáng vẻ trẻ trung, tươi mát như cả mấy mươi năm về trước.
Những ca khúc Hà Thanh hát nhạc Nguyễn Văn Đông cũng là ấn tượng đáng nhớ, có lẽ chính vậy mà trước đây Trung Tâm Paris By Night,từng mời và lo mọi thủ tục cho chương trình nhạc Nguyễn Văn Đông và bên cạnh có HàThanh … nhưng vì một số lý do nào đó khiến dự trù đáng quý này đã không thực hiện được…
Trong thế giới ca sĩ trẻ đang lên, Hà Thanh không bị chiếc cầu thế hệ ngăn cách; trái lại, chị đã làm cho khán giả ái mộ cảm động và thưởng thức giọng hát vẫn trong ngần, quý phái của chị trên nẻo về gần “thất thập cổ lai hy.”

Hà Thanh có một chỗ đứng riêng trong lịch sử tân nhạc Việt Nam và một vị trí độc sáng trong lòng người yêu nhạc xứ Huế.

LÊ XUÂN TRƯỜNG

Mời nghe youtube: Ca khúc “Hoa Xuân”, nhạc Phạm Duy qua tiếng hát Hà Thanh, trong không khí đón chào Xuân Giáp Ngọ, và cũng là những giây phút nhớ đến tiếng hát mượt mà tài danh Hà Thanh

Categories: Bài viết về Hà Thanh | Leave a comment

Phạm Anh Dũng- Hà Thanh, Môi Hồng Màu Hoa Đào

Hà Thanh, Môi Hồng Màu Hoa Đào

"…Ôi! Màu hoa đào như môi hồng, người mình yêu…" (Ai Lên Xứ Hoa Đào, nhạc và lời Hoàng Nguyên)

Còn hình ảnh nào dễ …yêu hơn?

Nghe Ai Lên Xứ Hoa Đào của nhạc sĩ Hoàng Nguyên do ca sĩ Hà Thanh hát, tôi đã ngẩn ngơ.

Cô bạn tôi, Hoàng Lan Chi viết bài Hà Thanh, Tiếng Hát Hoa Đào và trong bài không nhắc đến nhưng chắc có lẽ cũng vì bài hát này mà không biết.

Hà Thanh, Họa Mi Xứ Huế, với giọng hát đẹp, sang, trong sáng và truyền cảm, nổi tiếng với rất nhiều nhạc phẩm như từ Dòng Sông Xanh (nhạc Johann Strauss-lời Việt Phạm Duy), Khúc Tình Ca Xứ Huế (Trần Đình Quân), Đêm Đông (nhạc Nguyễn Văn Thương, lời Trần Kim Minh), Lời Mẹ Ru (Trịnh Công Sơn), Hoa Xuân (Phạm Duy) và nhất là các nhạc phẩm của Nguyễn Văn Đông… Quá nhiều không kể hết được.

Sau này Hà Thanh chỉ còn hát Thiền Ca kể cả các bản nhạc do chính Hà Thanh sáng tác.

Tôi chỉ biết và quý mến chị Hà Thanh qua giọng hát mà thôi.

Ngày 1/1/2014, được tin chị Hà Thanh qua đời, đúng ngày sinh nhật của chính tôi.

Ngày vui thành ngày buồn!

Vẫn còn đó, bài hát:

"…Ôi! Màu hoa đào như môi hồng, người mình yêu…" (Ai Lên Xứ Hoa Đào, nhạc và lời Hoàng Nguyên)

Còn hình ảnh nào dễ …yêu hơn?

Nghe Ai Lên Xứ Hoa Đào của nhạc sĩ Hoàng Nguyên do ca sĩ Hà Thanh hát, tôi vẫn ngẩn ngơ.

Phạm Anh Dũng

Tháng 1, 2014

Santa Maria, California, USA

Pha.m Anh Du~ng
http://my.opera.com/phamanhdung1/blog/

Categories: Bài viết về Hà Thanh | Leave a comment

Trúc Chi-về bài thơ Dòng Sông Xanh của Đông Hương

Về Một Bài Thơ Hoài Niệm Ca Sĩ Hà Thanh

Tin ca sĩ Hà Thanh giã biệt cõi phù sinh này đến với tôi qua một bài thơ. Tác giả là một người trong Nguyễn Phước tộc, một người theo tôi biết, sống để làm thơ và làm thơ để mà sống: Tôn Nữ Đông Hương. Tôi không nói ngoa mà cũng không cường điệu. Là vì trong mấy năm gần đây kể như tuần nào tôi cũng nhận được một hai bài của Đông Hương qua điện thư. Làm thơ mà nhiều và đều tay như vậy hiện nay trong làng thơ hải ngoại, tôi nghĩ chỉ có một cây bút khác bên phía nam là anh Trần Vấn Lệ.

Tôi nhận được bài thơ Dòng Sông Xanh của Đông Hương hôm 1/02/14, một ngày sau khi Hà Thanh qua đời. Đây là bài thơ nhắc đến tình yêu của một người thân của Đông Hương đối với Hà Thanh,. Mà hình như cũng là một chuyện tình dang dở. Một chuyện tình mang cái nghiệp muôn thủa của nội dung câu ca dao:

Tóc mai sợi ngắn sợi dài

Lấy nhau chẳng đặng thương hoài nghìn năm

Qua bài thơ, tôi được biết khuê danh của Hà Thanh là Lục Hà. Cũng không biết rõ chữ Hà trong Lục Hà có nghĩa là sông hay là sen. Nhưng mà Đông Hương đã tô thêm một nét đẹp cho cái tên Lục Hà khi diễn nôm thành Dòng Sông Xanh. Với người làm thơ, Đẹp là đủ rồi! Hoài Thanh đã từng nói Quách Tấn dùng điển sai trong bài Đêm Thu Nghe Quạ Kêu nhưng theo ông thì “điều ấy tưởng chẳng có quan hệ gì lắm.”

Kể, viết về một chuyện tình của người khác mà ngôn từ đưa lại một sức truyền cảm ở một độ cao như lời thơ của Đông Hương quả có hiếm: “Em triệu lần làm dậy sóng lòng anh.”Tôi nghĩ, chính người thơ cũng đã từng da diết lắm trong rung cảm riêng của mình mới có được cái tứ mãnh liệt như vậy.

Nhưng mà, chúng ta hãy lắng nghe Đông Hương, một thi tài của Huế, kể và sống với chuyện tình của hai người Huế bên dòng Hương khoảng thập niên 50/60 thế kỷ trước.

Viết tặng tiếng hát "Dòng sông xanh"(LỤC HÀ )( theo ý muốn một người đã từng thương yêu chị)

Để tưởng nhớ đến chị Lục Hà ( Hà Thanh ) đã thương em như một người em.

Kính mong hương hồn chị sẽ sớm về nơi cõi trời chỉ có màu xanh và hoa nở bốn mùa.

Gần cuối đời, mượn ngườì làm thi sĩ
Viết về em, tà áo lục anh thương
Không bên anh, em vẫn là tri kỷ
Mộng mơ đầu anh đứng nhớ sông Tương

Trăm thế kỷ tình còn ray rức mãi
Anh thường về ôm ánh nước sông Hương
Anh cúi mặt tìm trong giòng biếc ấy
Gọi tên người, nhâm nhi nỗi cô đơn

Tiếng liêu trai bổng trầm trên đỉnh mộng
Luôn tương tư kẻ ngày đó si tình
Anh nắn nót vẽ tên em bằng phấn
Trang giấy màu ghém gói nét yêu em

Viết giùm anh, thật hay, thiên sử cũ
Em triệu lần làm dậy sóng lòng anh
Tiếng hát em vỗ về anh giấc ngủ
Neo thuyền xưa đậu mãi bến sông xanh

Đông Hương

Categories: Bài viết về Hà Thanh | Leave a comment

Đông Hương-Gửi Giòng Sông Xanh

Gần cuối đời, mượn ngườì làm thi sĩ
Viết về em, tà áo lục anh thương
Không bên anh, em vẫn là tri kỷ
Mộng mơ đầu anh đứng nhớ sông Tương

Trăm thế kỷ tình còn ray rức mãi
Anh thường về ôm ánh nước sông Hương
Anh cúi mặt tìm trong giòng biếc ấy
Gọi tên người, nhâm nhi nỗi cô đơn

Tiếng liêu trai bổng trầm trên đỉnh mộng
Luôn tương tư kẻ ngày đó si tình
Anh nắn nót kẽ tên em bằng phấn
Trang giấy màu ghém gói nét yêu em

Viết giùm anh, thật hay, thiên sử cũ
Em triệu lần làm dậy sóng lòng anh
Tiếng hát em vỗ về anh giấc ngủ
Neo thuyền xưa đậu mãi bến sông xanh

Viết tặng tiếng hát "Dòng sông xanh"(LỤC HÀ )

của anh mình đã thương yêu chị cho đến bây giờ,

để tưởng nhớ đến chị Lục Hà ( Hà Thanh )

đã thương em như một người em .

Kính mong hương hồn chị sẽ sớm về nơi cõi trời .

Đông Hương

Categories: Bài viết về Hà Thanh | Leave a comment

Đặng Lệ Khánh-Thoáng Hương Trầm

Tiễn chị Lục Hà

Chị ơi chị lựa ngày thứ nhất

Của một năm để chị lại bắt đầu

Một đời khác không vấn vương còn mất

Tròn năm dài mùa chẳng đuổi theo nhau

Chị bắt đầu bằng tiếng kinh hướng dẫn

Bằng đôi chân êm nhẹ bước thong dong

Ở nơi đó đâu cần đèn nến thắp

Cả không gian đầy tiếng nhạc thanh trong

Ở nơi ấy có hoa thơm cành quý

Có con đường êm hơn lụa hà đông

Một ngày mới bắt đầu bằng giọng hót

Một loài chim với tên gọi Ka Lăng

Chị trút bỏ những sầu bi năm cũ

Như rũ buông một chiếc áo đã mòn

Chị khoác lên một tâm hồn tinh khiết

Và giọng cười vui như suối trên non

Chị đi thật khi một năm vừa chớm

Lời chúc nhau còn chưa tắt thanh âm

Em gói hết những lời người cầu nguyện

Gởi theo đây như một thoáng hương trầm

Đặng Lệ Khánh

Categories: Bài viết về Hà Thanh | 1 Comment

Cao Nguyên- Tiễn Hà Thanh

Khi nhận được tin chị Hà Thanh mất, tôi thật bàng hoàng vì lẽ tôi đã mất một người chị có quan hệ với gia đinh bên ngoại, mất đi một người bạn trong tình thân thi ca. Vì năm rồi, tôi có hân hạnh được điện đàm cùng chị mấy lần. Lại còn được nghe chị hát cho tôi nghe qua điện thoại . Đáp lại, tôi đã đọc thơ tôi cho chị nghe. Tôi như vẫn còn nghe giọng cười rất tươi của chị .

Trong tình tri âm đó, tôi đã viết vài dòng tiễn biệt chị:

Đang chờ Xuân . Nhận tin buồn
Người Ca Sĩ của quê hương đi rồi
Thân đi giã biệt cõi đời
Tâm còn lưu mãi tuyệt vời giọng ca!

Tiễn Hà Thanh về phương xa
Theo lời cầu nguyện với hoa sen này!

Đồng thời tôi mở 1 trang trên blog CLB/Hùng Sử Việt để tưởng nhớ đến chị, cũng để cho bằng hữu và thế hệ trẻ hiểu thêm về một người ca sĩ của quê hương, với tiếng hát mượt mà vượt thời gian .

Mời các anh chị xem ở đây: http://clbhungsuviet.blogspot.com/

Cao Nguyên

Categories: Bài viết về Hà Thanh | Leave a comment

Midway City: LỄ Cầu Siêu, Tưởng Niệm Ca sĩ Hà Thanh

​Midway City: LỄ Cầu Siêu, Tưởng Niệm CA SĨ Hà Thanh

(01/07/2014) – Nguồn: http://www.vietbao.com/D_1-2_2-74_4-217853_5-15_6-1_17-23548_14-2_15-2/

Midway City (Nguyễn Ninh Thuận)- Sáng Chủ Nhật 5-1-2013 xe cộ trên đường Hazard góc Beach tấp nập chi lạ! Hai bên đường Hazard gần Chùa Thiền Quang số 8047 Hazard Ave., Midway City, CA. 92655, không có chỗ đậu xe, chúng tôi lái xe mấy vòng mà không thể tìm ra chỗ parking, một ý nghĩ thoáng qua “ thôi thì đậu đại bên khu chợ sát chùa dù có bị câu xe cũng cam, vì muốn dự lễ Truy Điệu, để góp một thời kinh cầu nguyện cho Ca sĩ Hà Thanh, một người đàn chị của NT ở trường Đồng Khánh thân thương năm nào, được siêu thoát về cõi Phật… Hơn nữa chị Bạch Lan, người đang sinh hoạt trong Hội ĐK& QH và Liên Trường là em của người quá cố, cùng lúc đó sẽ gặp bạn bè thân hữu nói tiếng Huế…”

TUONG_NIEM_Ha_Thanh_resized.jpg
Hình ảnh lễ cầu siêu, tưởng niệm ca sĩ Hà Thanh.

Y như ý nghĩ… trong hội tường chùa, hàng trăm khuôn mặt thân quen đang trầm tư, tưởng niệm trước bàn thờ bày di ảnh Ca sĩ Hà Thanh để nhớ lại lời và câu hát của người quá cố …“ Đến tuổi này ai mà không đau! Đến tuổi này ai mà không bệnh!…” Quả vậy đời người thật là vô thường! Có có không không…!

Ban nghi lễ cung nghinh chư tôn Thiền Quang, quang lâm làm lễ. Sau ba hồi chuông trống Bát Nhã Chư Tôn Đức & quan khách an tọa và buổi lễ truy điệu bắt đầu dưới sự chứng giám của HT Thích Phước Thuận, chùa Trí Phước ở Los Angeles. – TT Thích Nguyên Tâm, giảng sư chùa Phật Giáo VN ở Los- Đại Đức Thích Liễu Nguyên- Ni Sư Thích Nữ Chơn Đạo, trụ trì chùa Thiền Quang – Sư cô Thích Nữ Huệ Tâm chùa Trí Phước & Ni sư Thích Nữ Huyền Tâm- Toàn thể quý Phật Tử chùa Thiền Quang & xa gần- Quý văn nghệ sĩ cùng thân hữu, báo chí…

Đầu tiên Ni Sư chùa Thiền Quang lên chào mừng các Đại Đức Tăng Ni, Phât tử, thân hữu & quan khách đến dự lễ truy điệu. Ni sư cho biết: “…cũng như hàng tuần vào Chủ Nhật chùa vẫn làm lễ truy điệu, cầu an, cầu siêu cho gia đình các phật tử & thân hữu. Đặc biệt hôm nay làm lễ truy điệu cho Ca sĩ Hà Thanh, một Phật tử có tâm Phật đã hát những bài ca của Phật giáo thật hay trong các chùa …Trước kia chị đã sinh hoạt với chùa Thiền Quang 3 tháng liền & xem mái chùa như gia đình. Sau đó mỗi năm chị về sinh hoạt với chùa một lần, nhưng từ khi bị bệnh nan y chị chỉ gọi điện thoại thăm hỏi và cách đây 2 tuần chị cho biết đang nằm nhà thương…Hôm trước chị Bạch Lan báo cho chúng tôi biết chị Hà Thanh đã an nghỉ về cõi Phật… ”

TUONG_NIEM_Ha_Thanh__2__resized.jpg
Hình ảnh lễ cầu siêu, tưởng niệm ca sĩ Hà Thanh.

Tiếp theo chị Bạch Lan lên cám ơn Đại Đức Tăng Ni & phật tử, cùng quan khách đã qui tập về chùa cầu nguyện cho chị Hà Thanh sớm siêu thoát! Chị nói qua về tiểu sử của Ca Sĩ Hà Thanh và được biết sơ lược… Hà Thanh sinh năm 25/7/1937 và mất ngày 01/01/2014, tên thật là Trần Thị Lục Hà, sinh ở Liễu Cốc Hạ, huyện Hương Trà, Huế. Năm 1955 đạt giải nhất cuộc thi hát do đài truyền hình Huế tổ chức với hai nhạc phẩm “Đêm Tàn Bến Ngự” của Dương Thiệu Tước và “Dòng Sông Xanh”.Vào 1960, tiếng hát Hà Thanh thường xuyên hiện diện trên các Đài phát thanh Sài Gòn, Quân Đội, Tự Do. Năm 1970 kết hôn với Trung tá Bùi Thế Dung của Binh chủng Thiết Giáp, Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Năm 1984 Hà Thanh sang Mỹ nhưng ít trình diễn chỉ ghi âm vài CD. Tiếng hát ngọt ngào của người nữ ca sĩ được mến mộ qua phần trình bày những nhạc phẩm như Hải Ngoại Thương Ca, Mấy Dặm Sơn Khê hoặc Chiều Mưa Biên Giới …cho đến nay chắc hẳn chưa mấy ai quên được, vì tiếng hát đó đã một thời ngự trị trên khắp các chương trình ca nhạc phát thanh tại Việt Nam. CD mới đây nhất của chị là “Chinh Phụ Ca”, đánh dấu cho ngày sinh nhật thứ 60 của mình, tiếng hát của Hà Thanh vẫn còn giữ được vẻ tươi sáng ngày nào…Khi còn ở trong thời kỳ vàng son Chị cho biết được như vậy phần lớn là do chị tập thở theo phương pháp Thiền, đã theo đuổi từ nhiều năm qua sau khi dâng trọn cuộc đời mình cho cuộc sống tâm linh, hàng ngày tụng kinh, niệm Phật… Sau khi ra tù, chồng chị vượt biên sang Mỹ trước khi được chấp thuận cho đoàn tụ theo diện ODP. Nhưng sau khi chung sống chưa đầy 2 năm trên xứ người, hai người đã đi đến đổ vỡ. Hà Thanh ở vậy nuôi con và hiện chỉ chú tâm vào đời sống tâm linh để quên đi quá khứ, quên đi những điều phiền muộn chị đã phải chịu đựng…

Trong số người dự lễ, chúng tôi thấy Ca sĩ Trang Thanh Lan và Ca sĩ Phương Hồng Quế, nam ca nhạc sĩ Trọng Nghĩa đại diện văn nghệ sĩ lên có đôi lời cảm niệm với ca sĩ Hà Thanh… Thuở sinh thời vào cuối đời, ca sĩ Hà Thanh đã sáng tác và hát rất nhiều bản nhạc đặc sắc đi vào lòng người Phật tử nói riêng và người Việt Nam nói chung xin mở bài Sám Hội do chị phổ nhạc…thật là “Đời người như áng mây trôi- Phiêu bồng vô định, có rồi lại không! Đã sinh giữa chốn hồng trần, mấy ai thoát khỏi luân hồi tử sinh- Hoàng hôn giờ phủ bình minh- Xa lìa thật rồi bóng hình thân thương. Huyền thân tứ đại vô thường- Sát na biến dịch đôi đường biệt ly. Ai về tiễn bước người đi. Gục đầu nghe gió thầm thì khóc than. Âm dương cách biệt đôi đàng! Từ nay vĩnh biệt trần gian u sầu…”

TUONG_NIEM_Ha_Thanh__1__resized.jpg
Hình ảnh lễ cầu siêu, tưởng niệm ca sĩ Hà Thanh.

HT Thích Phước Thuận ban đạo từ triết lý nhà Phật với Sinh, Lão, Bệnh,Tử và khuyên Phật tử theo chân Phật để sớm giác ngộ và chú tâm tu tập…

Khóa lễ cầu siêu cho hương linh, húy nhật thất tuần của cố Ca Sĩ Hà Thanh & các vị khác với hơn 1 giờ tụng niệm của các Chư Đức Tôn Ni và Phật tử …

Sau cùng là lời cám ơn của Ni Sư Chơn Đạo và chùa dọn cơm chay cho quan khách dùng bữa trưa và nghe giọng hát của cố ca sĩ Hà Thanh…

Categories: Tang Lễ Hà Thanh | Leave a comment

Blog at WordPress.com.